Giá dầu tăng lên gần mức cao nhất trong 1 tuần vào ngày thứ Tư (19/02), do lo ngại về tình trạng gián đoạn nguồn cung ở Nga và Mỹ, trong khi thị trường chờ đợi sự rõ ràng về các lệnh trừng phạt khi Washington đang cố gắng làm trung gian cho một thoả thuận chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/02, hợp đồng dầu Brent tiến 20 xu (tương đương 0.3%) lên 76.04 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 40 xu (tương đương 0.6%) lên 72.25 USD/thùng.

Đây là mức đóng cửa cao nhất đối với cả 2 hợp đồng dầu kể từ ngày 11/02/2025.

Nga cho biết lưu lượng dầu của Caspian Pipeline Consortium (CPC), một tuyến đường chính để xuất khẩu dầu thô từ Kazakhstan, đã giảm 30%-40% vào ngày 18/02 sau một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào một trạm bơm. Theo tính toán của Reuters, việc giảm 30% sẽ tương đương với việc mất 380,000 thùng/ngày nguồn cung thị trường.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng cuộc tấn công vào CPC có thể đã được phối hợp với các đồng minh phương Tây của Ukraine.

Tại Mỹ, thời tiết lạnh giá đã đe doạ nguồn cung dầu, với Cơ quan Đường ống Bắc Dakota ước tính sản lượng tại bang này sẽ giảm tới 150,000 thùng/ngày.

Ngoài ra, các chuyên gia phân tích dự báo Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng.

Bất kể khả năng đạt được thoả thuận hoà bình giữa Nga và Ukraine do Mỹ làm trung gian có thể xảy ra như thế nào, các chuyên gia phân tích tại Goldman Sachs cho biết bất kỳ sự nới lỏng lệnh trừng phạt nào đối với Nga cũng khó có thể mang lại sự gia tăng đáng kể về lưu lượng dầu, vì sản lượng dầu thô của Nga bị hạn chế bởi mục tiêu sản lượng 9 triệu thùng/ngày của OPEC+ thay vì các lệnh trừng phạt hiện tại.

Tại Trung Đông, Israel và Hamas sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán gián tiếp về giai đoạn thứ 2 của thoả thuận ngừng bắn ở Gaza, điều này có thể gây áp lực lên giá dầu bằng cách làm giảm nguy cơ gián đoạn nguồn cung.

Thuế quan do chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố cũng có thể gây sức ép lên giá dầu bằng cách làm tăng chi phí hàng tiêu dùng, làm suy yếu nền kinh tế toàn cầu và làm giảm nhu cầu nhiên liệu. Những lo ngại về nhu cầu của châu Âu và Trung Quốc cũng đang kìm hãm giá dầu.

https://vietstock.vn/2025/02/dau-len-gan-muc-cao-nhat-trong-1-tuan-do-lo-ngai-gian-doan-nguon-cung-o-nga-va-my-34-1273316.htm