Trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang, cổ phiếu ngành tiêu dùng thiết yếu tại châu Á lại đang “phất như diều gặp gió” sau nhiều năm trì trệ, nhờ làn sóng nhà đầu tư tìm đến những doanh nghiệp phục vụ nhu cầu thiết yếu trong nước.
![]() Khách hàng mua sắm rau củ tại một siêu thị của Yonghui Superstores ở thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc. Ảnh: ichongqing.info |
Cồ phiếu tiêu dùng thiết yếu ở châu Á đang đóng vai trò như “tấm khiên” đáng tin cậy, bảo vệ nhà đầu tư khỏi sóng gió của thị trường.
Ngay sau khi chính phủ Mỹ công bố loạt thuế quan đối ứng hôm 2-4, các nhà chiến lược ở các ngân hàng đầu tư từ Goldman Sachs cho đến Morgan Stanley nhanh chóng khuyến nghị chuyển hướng sang nhóm cổ phiếu hàng tiêu dùng thiết yếu tại châu Á, xem đây là điểm trú ẩn an toàn.
Công ty quản lý đầu tư Fidelity International thì nhanh tay “hốt” những cổ phiếu tiêu dùng giảm giá mạnh ở Trung Quốc, kỳ vọng rằng nhóm cổ phiếu này sẽ hưởng lợi từ gói kích cầu của chính phủ.
Kết quả là chỉ số MSCI Asia Pacific Consumer Staples, theo dõi cổ phiếu của các công ty lớn và vừa trong lĩnh vực hàng tiêu dùng thiết yếu ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương bật tăng 5% kể từ sau ngày 2-4. Mức tăng này dẫn đầu 11 nhóm ngành chính.
Cổ phiếu của các công ty điều hành chuỗi siêu thị Yonghui Superstores (Trung Quốc) và Kobe Bussan (Nhật Bản) “phi nước đại”, với mức tăng ít nhất 19%, trong khi nhiều doanh nghiệp ngành sữa và đồ uống trong khu vực cũng ghi nhận mức tăng ấn tượng.
Đây là cú lội ngược dòng ngoạn mục đối với một nhóm ngành từng bị lãng quên vì cơn sốt cổ phiếu công nghệ và trí tuệ nhân tạo. Sự chuyển dịch này cho thấy nhà đầu tư đang quay lưng với cổ phiếu tăng trưởng, khi căng thẳng thương mại Mỹ – Trung đe dọa gây suy thoái kinh tế toàn cầu. Hơn nữa, tín hiệu về các gói kích thích tài khóa từ các chính phủ châu Á đang bơm “doping” cho ngành tiêu dùng thiết yếu.
Theo Charu Chanana, giám đốc chiến lược đầu tư của Saxo Markets, sự vượt trội của cổ phiếu tiêu dùng báo hiệu một thay đổi lớn trong tâm lý nhà đầu tư, từ chạy theo tăng trưởng toàn cầu và xuất khẩu sang tìm nơi trú ẩn ở sức bật của nhu cầu nội địa.
“Nhà đầu tư đang bắt đầu định giá một thế giới phân mảnh và bảo hộ hơn, nơi chính sách hỗ trợ địa phương và tiêu dùng nội địa lên ngôi”, bà nói.
Dù một cuộc chiến thương mại kéo dài chẳng “buông tha” cho ngành nào, ngành tiêu dùng thiết yếu vẫn tỏ ra kiên cường trong lúc kinh tế căng thẳng. Cộng thêm việc chỉ số MSCI Asia Pacific Consumer Staples giảm liên tục 4 năm cho đến 2024, so với đà tăng không ngừng nghỉ của chỉ số công nghệ MSCI Asia từ 2019, rõ ràng đây là cơ hội để ngành tiêu dùng bứt phá.
Sự chuyển dịch mới này có thể còn kéo dài khi các chính phủ ở châu Á triển khai kế hoạch kích thích kinh tế mới. Trung Quốc vừa đưa ra 48 biện pháp thúc đẩy chi tiêu hộ gia đình trong lĩnh vực ăn uống, y tế. Hàn Quốc đề xuất nâng ngân sách bổ sung lên 12.000 tỉ won (8,4 tỉ đô la Mỹ) để củng cố tăng trưởng giữa cơn hỗn loạn thuế quan. Trong khi đó, Ấn Độ dự báo mùa mưa thuận lợi, hứa hẹn thúc đẩy nhu cầu ở khu vực nông thôn.
![]() Sau 4 năm giảm liên tục, chỉ số MSCI Asia Pacific Consumer Staples, theo dõi cổ phiếu của các công ty lớn và vừa trong lĩnh vực hàng tiêu dùng thiết yếu ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tăng khoảng 5% trong năm nay, tính đến hôm 17-4. Ảnh: Bloomberg |
Fidelity International đã nhanh chân tận dụng cú lao dốc của cổ phiếu Trung Quốc và Hồng Kông hôm 7-4 để gom thêm cổ phiếu tiêu dùng thiết yếu và một số cổ phiếu liên quan đến du lịch, theo Terrence Kan, nhà chiến lược danh mục đầu tư khách hàng của Fidelity International.
Chuyên gia này ưu ái các cổ phiếu niêm yết tại Trung Quốc đại lục hơn Hồng Kông, vì có khả năng được hưởng lợi nhiều hơn từ các chính sách kích thích mới của Bắc Kinh.
Cổ phiếu tiêu dùng ở châu Á cũng vững vàng so với Mỹ và châu Âu trong cơn biến động thị trường, nhờ cam kết hỗ trợ chính sách nhanh chóng của các chính phủ trong khu vực.
Hôm 6-4, Goldman Sachs nâng khuyến nghị cho cổ phiếu tiêu dùng thiết yếu châu Á từ trung lập lên “ưu tiên mua”, nhấn mạnh xu hướng đầu tư vào các ngành phòng thủ. Hôm 17-4, ngân hàng JPMorgan cũng đưa ra khuyến nghị tương tự cho ngành này ở Đông Nam Á.
“Tiêu dùng thiết yếu không phải ngành mà nhu cầu dao động mạnh. Rất ít công ty trong ngành này phụ thuộc lớn vào xuất khẩu sang Mỹ. Kịch bản tích cực là các ngân hàng trung ương ở châu Á sẽ cắt giảm lãi suất, kích thích tiêu dùng”, Hironori Akizawa, giám đốc đầu tư của Tokio Marine Asset Management chia sẻ.
Ngược lại, cổ phiếu hàng tiêu dùng tùy ý (discretionary goods) lại “thấm đòn” khi người tiêu dùng dự kiến cắt giảm các khoản chi tiêu không thiết yếu. Chỉ số hàng tiêu dung tùy ý MSCI Asia giảm hơn 5% từ ngày 2-4, đứng thứ hai về mức giảm trong tất các ngành.
Tuy nhiên, rủi ro cho tiêu dùng thiết yếu là nếu lạm phát bùng lên, điều này có thể kìm hãm sự nhiệt tình của nhà đầu tư, theo James Thom, giám đốc đầu tư cổ phiếu châu Á của Aberdeen Investments.
Hiện tại, giới đầu tư đang đồng thuận rằng tiêu dùng thiết yếu là “canh bạc an toàn”. Chỉ số ngành này được dự báo sẽ mang lại tốc độ tăng trưởng lợi nhuận gấp đôi so với chỉ số chung MSCI Asia Pacific trong 12 tháng tới.
“Tiêu dùng thiết yếu sẽ tiếp tục là tâm điểm trong bối cảnh hiện nay, nhưng nếu tâm lý chấp nhận rủi ro quay lại, nhà đầu tư sẽ chuyển sang các ngành tiêu dùng tùy ý và dịch vụ, Nick Twidale, nhà phân tích thị trường của AT Global Markets ở Sydney, nhận định và lưu ý thêm, điều đó chỉ xảy ra nếu Mỹ đảo ngược chính sách thuế quan hiện nay.
https://vietstock.vn/2025/04/thuong-chien-bat-ngo-8216bom-oxy8217-cho-co-phieu-tieu-dung-o-chau-a-773-1298450.htm