Tương lai của mua sắm trực tuyến đang dần trở nên minh bạch và thuận tiện hơn bao giờ hết. Chỉ cần truy cập các nền tảng như Airbnb, Ticketmaster, Booking.com hoặc StubHub, có thể dễ dàng nhận thấy sự thay đổi rõ rệt trong cách niêm yết giá. Những nền tảng từng nổi tiếng với việc cộng thêm hàng loạt phí ẩn ở bước thanh toán, nay đã công khai toàn bộ chi phí ngay từ đầu.
Sự thay đổi này không xuất phát từ thiện chí tự nguyện của các doanh nghiệp, mà chủ yếu do yêu cầu từ phía chính phủ. Ngày 12/05, quy định mới của Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) với sự ủng hộ lưỡng đảng đã chính thức có hiệu lực, nhằm siết chặt các khoản phí không công bằng và gây hiểu lầm. Theo FTC, quy định này “cấm các hình thức niêm yết giá mồi nhử và các thủ thuật khác nhằm che giấu, làm sai lệch tổng giá và các khoản phí”. Tuy nhiên, quy định hiện chỉ áp dụng với vé sự kiện trực tiếp và dịch vụ lưu trú ngắn hạn, đồng nghĩa với việc các lĩnh vực như thuê xe hay đặt đồ ăn vẫn còn tồn tại “địa ngục phí”. Dù vậy, đối với các lĩnh vực được điều chỉnh, đây là dấu chấm hết cho những khoản phí lắt léo chỉ xuất hiện ở phút chót của hành trình mua sắm. Các doanh nghiệp vẫn có thể thu các loại phí như “phí tiện lợi”, nhưng bắt buộc phải thông báo rõ ràng ngay từ đầu.
Động thái này, dù nghe có vẻ đơn giản, lại là một bước tiến lớn. Không phải ngẫu nhiên mà Airbnb và Ticketmaster đồng loạt quảng bá việc công khai chi phí, dù không nhấn mạnh lý do thực sự phía sau. Việc minh bạch giá từ đầu giúp tăng tính cạnh tranh, hỗ trợ người tiêu dùng ra quyết định sáng suốt hơn, đồng thời có lợi cho các doanh nghiệp vốn đã lựa chọn con đường minh bạch. Khảo sát cho thấy, người tiêu dùng cũng rất ủng hộ thay đổi này.
Adam Rust, Giám đốc dịch vụ tài chính tại Liên đoàn Người tiêu dùng Mỹ, nhận định: “Cuối cùng, đây là điều hợp lý do việc so sánh giá nên được khuyến khích, nhất là trong bối cảnh giá cả leo thang và nhiều người đang chật vật mưu sinh. Trong bất kỳ lựa chọn mua sắm nào, người tiêu dùng đều cân nhắc giữa chi phí và lợi ích, và nếu chi phí không minh bạch, sẽ rất khó để đưa ra lựa chọn đúng”.
Nếu niêm yết giá trọn gói thực sự có lợi cho doanh nghiệp, hẳn nhiều nơi đã tự nguyện áp dụng từ lâu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các chiêu trò như niêm yết nhỏ giọt và giá mồi nhử vẫn được sử dụng phổ biến để thu hút khách hàng bằng mức giá hấp dẫn ban đầu, sau đó đánh úp bằng tổng chi phí cao hơn khi đến bước thanh toán cuối. Những thủ thuật này thường khiến người tiêu dùng chi nhiều hơn dự định, thậm chí chi tiền cho những thứ vốn dĩ không định mua.
Khi mua sắm, mức giá được hiển thị nổi bật nhất luôn là yếu tố thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Từ giá vé hoặc phòng khách sạn ban đầu đến con số cuối cùng đã cộng đủ loại phí, khách hàng đã đầu tư không ít thời gian và cảm xúc vào quyết định mua sắm. Việc bắt đầu lại từ đầu đồng nghĩa với việc phải chấp nhận một phần chi phí đã bỏ ra.
Hal Singer, Giám đốc điều hành Econ One kiêm giáo sư kinh tế tại Đại học Utah, phân tích: “Điều này khiến người tiêu dùng khó quay đầu, bởi cảm giác đã phần nào cam kết với giao dịch. Đôi khi, chỉ khi đã đặt chân tới khu nghỉ dưỡng, khách hàng mới biết mình bị tính thêm phí”.
Các doanh nghiệp thu lợi đáng kể từ các khoản phí cộng thêm ở bước thanh toán cuối. Một nghiên cứu về StubHub cho thấy, trong giai đoạn thử nghiệm niêm yết giá trọn gói từ tháng 01/2014 đến tháng 8/2015, tổng doanh thu của nền tảng này giảm tới 28%. Ngược lại, khi để phí tới phút chót, cả số lượng lẫn chất lượng vé bán ra đều tăng, người tiêu dùng mua nhiều vé hơn và chọn những vé tốt, đắt tiền hơn.
Steven Tadelis, Giáo sư kinh tế tại Trường Kinh doanh Haas thuộc Đại học UC Berkeley, đồng tác giả nghiên cứu về StubHub, lý giải: “Các công ty làm vậy vì doanh thu tăng mạnh. Cơ chế này tận dụng điểm yếu tâm lý của người tiêu dùng, khi không tính tới các khoản phí, dẫn đến việc mua những thứ mà nếu biết hết thông tin thì đã không mua”.
Ban lãnh đạo StubHub từng kỳ vọng sự minh bạch sẽ được người tiêu dùng “thưởng”, nhưng thực tế không diễn ra như vậy. “Họ chẳng bao giờ nhận được sự yêu mến ngọt ngào mà họ kỳ vọng sau khi áp dụng giá trọn gói”, Tadelis chia sẻ, bởi khách hàng không nhận ra rằng giá của StubHub cao hơn là do đã bao gồm phí ngay từ đầu.
Nếu đối thủ không minh bạch về giá, ngay cả những doanh nghiệp thiện chí cũng ngần ngại “đi trước một bước”. Việc mất doanh thu ngắn hạn là điều khó tránh, bởi người tiêu dùng sẽ chọn phương án có vẻ rẻ hơn, trong khi không có bằng chứng nào cho thấy sự trung thành lâu dài sẽ được đền đáp.
Michael Luca, giáo sư tại Trường Kinh doanh Carey của Đại học Johns Hopkins, nhận xét: “Điều này tạo động lực xấu cho doanh nghiệp, khuyến khích cộng thêm phí vào phút chót, vì biết như vậy có thể ‘vắt’ thêm tiền từ khách”. Các khoản phí cũng khiến mọi thứ trở nên phức tạp hơn, vốn là “chiêu” ưa thích của doanh nghiệp khi phải truyền đạt thông tin không mấy tích cực. “Khi có tin xấu, các công ty muốn làm mọi thứ trở nên phức tạp hơn với khách hàng. Còn khi có tin tốt, họ lại muốn minh bạch tối đa”.
Một buổi tối Chủ nhật cách đây vài tuần, việc ngắm nghía các căn Airbnb cho một chuyến đi cuối cùng không thực hiện đã mang lại cảm giác hào hứng khi tưởng tượng về kỳ nghỉ ngắn. Trải nghiệm mua sắm thực sự rất tuyệt: có thể đặt giới hạn chi tiêu 500 đô la cho chỗ ở và thoải mái lựa chọn (tùy chọn này đã có từ vài năm trước, nhưng giờ là mặc định). Dù tiếc vì chuyến đi không thành, nhưng sẽ còn bực bội hơn nhiều nếu đã mất hàng giờ đồng hồ so sánh giá, cộng nhẩm đủ loại phí rồi cuối cùng lại phải ngồi nhà dịp Memorial Day, như số phận đã định.
Niêm yết giá trọn gói không phải điều mà nhiều doanh nghiệp tự nguyện thực hiện. Trường hợp của StubHub chứng minh rằng sẽ chẳng có lợi ích gì nếu chỉ một mình một doanh nghiệp làm còn các đối thủ thì không. Việc được phép sử dụng các chiêu trò niêm yết nhỏ giọt và giá mồi nhử làm giảm tính cạnh tranh và đẩy giá chung lên cao, bởi nó khiến người tiêu dùng không thể dễ dàng so sánh và tìm kiếm ưu đãi tốt nhất. Trong cuộc chiến chống lại cái gọi là “phí rác”, chính quyền Mỹ ước tính người tiêu dùng bị thiệt hại hàng tỷ đô la mỗi năm.
Nhiều doanh nghiệp và ngành nghề lập luận rằng người tiêu dùng thực ra không muốn giá trọn gói. Họ cho rằng việc hiển thị toàn bộ chi phí và phí ngay từ đầu sẽ khiến khách hàng bối rối, hoặc các khoản phí cộng thêm giúp khách hàng tùy chọn dịch vụ. Lập luận này có phần đúng trong một số trường hợp — ví dụ như trả thêm tiền để ký gửi hành lý hoặc chọn chỗ ngồi trên máy bay là lựa chọn mà khách hàng muốn được kiểm soát. Tuy nhiên, không nhiều người cảm thấy “ngợp” nếu Expedia hay Google Flights thông báo sớm hơn về các tùy chọn khi mua vé máy bay, nhất là trong thời đại của vé tiết kiệm cơ bản. Ở nhiều ngành, dù phí được liệt kê là “cộng thêm”, thực tế lại không thể bỏ qua. U-Haul cộng thêm phí môi trường mà khách không thể từ chối. Giao đồ ăn cũng vậy, luôn có phí giao hàng và phí dịch vụ, hay hàng loạt khoản phí bí ẩn xuất hiện khi kiểm tra hóa đơn.
Adam Rust nhấn mạnh: “Không khó để một doanh nghiệp biết được biểu phí của mình và đăng lên website. Nhưng với người mua, lại rất vất vả khi phải chọn sản phẩm, cho vào giỏ, bắt đầu thanh toán rồi mới phát hiện giá đã khác”.
Lauren Wolfe, cố vấn pháp lý của Travelers United, một tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực du lịch, chỉ ra rằng giá trọn gói rất được ưa chuộng, và một lần nữa, quy định mới của FTC nhận được sự ủng hộ lưỡng đảng. “Đây thực sự là một trong số ít vấn đề mà cả nước đều đồng thuận”, bà nói. Dự luật siết chặt phí resort vừa được Hạ viện thông qua, và khả năng lớn sẽ trở thành luật.
Các khoản phí ẩn không phải là vấn đề lớn nhất của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh thuế quan và nguy cơ suy thoái. Tuy nhiên, ở cấp độ thường nhật, chúng thực sự gây khó chịu, giống như lũ côn trùng phiền toái mà phải gọi dịch vụ diệt trừ mỗi mùa xuân, dù nhà cửa đã sạch sẽ và lắp lưới chống côn trùng. Giá trọn gói có thể chưa lan rộng khắp cả nước, nhưng ở những nơi bắt buộc phải áp dụng, quả thực rất đáng mừng.
https://vietstock.vn/2025/06/cuoc-dai-phau-dep-loan-phi-an-o-my-nguoi-tieu-dung-huong-loi-ra-sao-775-1316143.htm