Sự phát triển phổ biến nhanh chóng của tài sản số, nhất là những tài sản dựa trên công nghệ chuỗi khối (Blockchain) và sự mở rộng đáng chú ý của các hoạt động kinh tế mới đang đặt ra những vấn đề mới chưa từng có đối với các tiêu chuẩn, quy định về tài sản, thị trường tài chính, thuế và yêu cầu quản lý dành cho các nhà hoạch định chính sách của nhiều quốc gia; đã và đang trở thành xu thế lập pháp toàn cầu…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ông Đặng Huy Đông, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh điều này tại Hội thảo khoa học Hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý tài sản số do Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển tổ chức ngày 15/7/2023.

Theo các chuyên gia, việc xây dựng khung pháp lý để thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển và ứng dụng công nghệ Blockchain, nghiên cứu, hoàn thiện chính sách pháp luật về tài sản số một cách phù hợp với Việt Nam, tạo môi trường công bằng, minh bạch để khai thác các giá trị của các tài số, từ đó có cơ chế khuyến khích phát triển sáng tạo, đổi mới công nghệ, tận dụng thời cơ của cuộc cách mạng 4.0 mang lại cho Việt Nam theo kịp các quốc gia phát triển là rất cần thiết.

VIỆT NAM TRONG TOP 10 THẾ GIỚI VỀ TỶ LỆ NGƯỜI SỞ HỮU TIỀN MÃ HÓA

Với sự phát triển của khoa học, công nghệ và cuộc cách mạng 4.0, nhiều hình thái mới được hình thành trên môi trường điện tử, trong đó có sự hình thành của các loại tài sản mới được gọi chung là tài sản số. Tài sản số đã trải qua sự tăng trưởng nhanh chóng trong những năm gần đây.

Boston Consulting Group ước tính rằng năm 2030 tài sản nằm ở dạng token chiếm 10% GDP toàn cầu, tương đương 16,1 nghìn tỉ USD. Trong năm 2022, con số này đang ở mức 0,31 tỷ USD và chiếm khoảng 0,4% GDP. Dự kiến trong năm 2023 sẽ đạt mức 0,6 tỷ USD và chiếm 0,6% GDP toàn cầu. Con số này sẽ tiếp tục tăng từ 2024 và đạt hơn 10 tỷ USD, chiếm 7% GDP toàn cầu vào năm 2028.

Tại Việt Nam, Blockchain được xác định là một trong những công nghệ hàng đầu trong danh mục công nghệ ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia Cách mạng 4.0.
Tại Việt Nam, Blockchain được xác định là một trong những công nghệ hàng đầu trong danh mục công nghệ ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia Cách mạng 4.0.

Báo cáo nghiên cứu, dẫn thông tin của Digital Assets- Worldwide/ Statista Market Forecast, ông Nguyễn Khánh Bảo, Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết hiện đã có hơn 2 tỷ giao dịch với tổng trị giá 1,4 nghìn tỷ USD trong các hoạt động tiền ảo vào năm 2021. Riêng năm 2020, có 193 tỷ USD hoạt động đã được thực hiện thông qua 586 triệu giao dịch.

Doanh thu trên thị trường tài sản kỹ thuật số được dự đoán sẽ đạt 56.420 triệu USD vào năm 2023. Doanh thu dự kiến sẽ có tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR 2023-2027) là 16,15%, dẫn đến tổng số tiền dự kiến là 102.700 triệu USD vào năm 2027.

Doanh thu trung bình trên mỗi người dùng trong thị trường tài sản kỹ thuật số lên tới 83,73 USD vào năm 2023. Từ góc độ so sánh toàn cầu, có thể thấy Hoa Kỳ đạt doanh thu cao nhất (27.410 triệu USD vào năm 2023).

Trong thị trường tài sản kỹ thuật số, số lượng người dùng dự kiến sẽ lên tới 994,30 triệu người dùng vào năm 2027. Tỷ lệ thâm nhập của người dùng sẽ là 8,8% vào năm 2023 và dự kiến sẽ đạt 12,5% vào năm 2027.

Việt Nam hiện xếp thứ 11 với 6,1% dân số và trong Top 20 quốc gia có tỷ lệ dân số sở hữu tiền mã hóa cao nhất trong năm 2021.

Còn theo chia sẻ của đại diện Hiệp hội Blockchain, hiện nay, Việt Nam đang đứng trong top 10 thế giới về tỷ lệ người sở hữu tiền mã hóa.

PHÁP LUẬT VIỆT NAM HIỆN HÀNH CHƯA CÔNG NHẬN QUYỀN SỞ HỮU ĐỐI VỚI TÀI SẢN SỐ

Theo Viện trưởng Viện nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển, tại Việt Nam, Blockchain được xác định là một trong những công nghệ hàng đầu trong danh mục công nghệ ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia Cách mạng 4.0.

Pháp luật Việt Nam hiện hành chưa công nhận quyền sở hữu đối với tài sản số. Tuy vậy, hoạt động giao dịch, khai thác tài sản số vẫn diễn ra một cách sôi động trong làn sóng phát triển mạnh mẽ của Cách mạng 4.0. Việc quản lý và tạo hành lang pháp lý như thế nào cho sự phát triển này hiện vẫn còn có nhiều quan điểm và cách tiếp cận khác nhau mà khung khổ pháp luật hiện hành vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện.

Ông Nguyễn Khánh Bảo, Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông.
Ông Nguyễn Khánh Bảo, Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông.
Qua rà soát hệ thống pháp luật liên quan với 8 luật và bộ luật, các văn bản này chưa quy định phân loại và định danh dứt khoát, rõ ràng các loại “tài sản mã hóa”.

Hiện đã có hơn 2 tỷ giao dịch với tổng trị giá 1,4 nghìn tỷ USD trong các hoạt động tiền ảo vào năm 2021. Riêng năm 2020, có 193 tỷ USD hoạt động đã được thực hiện thông qua 586 triệu giao dịch.

Hiện nay, EU và nhiều quốc gia như Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc…đã xây dựng chính sách pháp lý quản lý, phát triển tài sản số nhưng ở Việt Nam chưa có đạo luật, quy định pháp lý cụ thể về tài sản số cũng như nguyên tắc vận hành. Ông Bảo cho biết: qua rà soát hệ thống pháp luật liên quan với 8 luật và bộ luật, các văn bản này chưa quy định phân loại và định danh một cách dứt khoát, rõ ràng các loại “tài sản mã hóa”.

Nhóm nghiên cứu đề xuất cần hoàn thiện khung pháp luật, trong đó có định nghĩa rõ ràng cụ thể về tài sản số phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát triển của Việt Nam; Ghi nhận tiền ảo là một loại tài sản mới; Hoàn thiện cơ sở pháp lý để sớm công nhận tài sản số là một loại tài sản đặc biệt lưu thông có điều kiện; Thu thuế đối với các hoạt động liên quan đến tài sản số; Cho phép và kiểm soát các hoạt động phát hành tài sản số ra công chúng (ICO).

Cùng với đó thành lập và kiểm soát các sàn giao dịch tài sản số. Thúc đẩy cơ chế phát triển ứng dụng công nghệ blockchain trong việc quản lý tài sản số.

Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất tiếp tục hoàn thiện các mô hình khu công nghệ, nghiên cứu theo hướng hình thành các khu nghiên cứu, ứng dụng, thử nghiệm sản phẩm Blockchain, trong đó ưu tiên các sản phẩm ứng dụng mang lại giá trị, lợi ích kinh tế của quốc gia, đổi mới hiệu quả nguồn lực tài chính quốc gia.

Bà Phạm Hồng Hạnh, Vụ Kinh tế, Văn phòng Quốc hội.
Bà Phạm Hồng Hạnh, Vụ Kinh tế, Văn phòng Quốc hội.
Việc xây dựng khung pháp lý để thúc đẩy phát triển và ứng dụng Blockchain, quản lý tài sản ảo, tiền ảo, tài sản mã hóa, tiền mã hóa là rất cần thiết nhưng mức độ điều chỉnh cần thận trọng, đảm bảo sự cân bằng giữa mục tiêu khuyến khích, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và bảo vệ lợi ích các tổ chức, cá nhân trong xã hội.

Chia sẻ việc xây dựng khung pháp lý để thúc đẩy ứng dụng, phát triển công nghệ blockchain trong quản lý tài sản ảo, tài sản mã hóa, tiền mã hóa, bà Phạm Hồng Hạnh, Vụ Kinh tế, Văn phòng Quốc hội, cho rằng việc xây dựng khung pháp lý để thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển và ứng dụng công nghệ Blockchain, quản lý tài sản ảo, tiền ảo, tài sản mã hóa, tiền mã hóa là rất cần thiết nhưng mức độ điều chỉnh của pháp luật đối với vấn đề này cần thận trọng, đảm bảo sự cân bằng giữa mục tiêu khuyến khích, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và bảo vệ lợi ích của các tổ chức, cá nhân trong xã hội nhất là đối tượng người tiêu dùng.

Tài sản mã hóa, tiền mã hóa, tiền kỹ thuật số là ứng dụng được biết đến nhiều nhất của công nghệ Blockchain. Đây là những vấn đề mới, cùng với đó, các ứng dụng và sản phẩm trên nền tảng công nghệ Blockchain liên tục xuất hiện nên việc xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh, toàn diện để điều chỉnh các hoạt động liên quan sẽ rất khó khăn và có thể chưa khả thi tại thời điểm hiện nay. Do đó, việc xây dựng một khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox) trong một số lĩnh vực là cách tiếp cần phù hợp.

Việc ban hành các biện pháp quản lý tài sản mã hóa và các chính sách liên quan của Việt Nam nên theo hướng thận trọng, có quan sát và vận dụng

Về quản lý tài sản số, tài sản mã hóa, bà Lê Thị Hoàng Thanh, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự- kinh tế, Bộ Tư pháp, nhận định về bản chất, tài sản mã hóa phản ánh một giá trị cũng tương tự như một tài sản truyền thống khác. Tài sản mã hóa cần được coi là tài sản.

Để thúc đẩy cuộc cách mạng 4.0 tại Việt Nam thì pháp luật phải đóng vai trò thúc đẩy, bảo vệ quyền sở hữu đối với các loại tài sản mới do cuộc cách mạng này tạo ra. Tuy nhiên, đây là những vấn đề rất mới và khó nên chưa thể đề xuất ngay những giải pháp toàn diện.

Đại diện Bộ Tư pháp cho rằng Việt Nam chỉ có thể tiếp cận theo hướng vừa theo dõi chặt chẽ sự phát triển của công nghệ, thị trường vừa tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm quốc tế và tham vấn các bên liên quan (doanh nghiệp, người tiêu dùng…) để đưa ra giải pháp chính sách phù hợp.

Tài sản mã hóa là một vấn đề mới không chỉ đối với Việt Nam mà cả các nước phát triển cũng chưa có khung pháp lý toàn diện để điều chỉnh các tài sản này. Các nước hiện nay chủ yếu tiếp cận theo hướng dựa trên nguyên tắc quản lý rủi ro, áp dụng khung pháp lý thử nghiệm (sandbox) nhằm vừa khuyến khích, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, vừa hạn chế các rủi ro.

https://vneconomy.vn/tai-san-so-dang-dat-ra-nhung-van-de-moi-chua-tung-co.htm