Nhằm khuyến khích người dân, doanh nghiệp tích cực sử dụng dịch vụ công trực tuyến, VCCI đề nghị giảm mạnh phí, lệ phí, thậm chí miễn phí với các dịch vụ có lượng nộp hồ sơ trực tuyến thấp, thay vì mức giảm 10% – 50% như đề xuất của Bộ Tài chính…

VCCI cũng đề xuất nhiều chính sách thu hút, lôi kéo thêm người dùng mới.
VCCI cũng đề xuất nhiều chính sách thu hút, lôi kéo thêm người dùng mới.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời Công văn số 6884/BTC-CST ngày 3/7/2023 của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của một số Thông tư quy định thu phí, lệ phí của Bộ trưởng Bộ Tài chính nhằm khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến (dự thảo).

Hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến không thuộc đối tượng miễn, giảm phí, lệ phí theo quy định tại Điều 10 Luật phí và lệ phí. Do đó, để khuyến khích hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến có thể quy định mức phí, lệ phí thấp hơn so với mức phí, lệ phí áp dụng đối với cung cấp trực tiếp.

Về vấn đề này, VCCI tán thành với chính sách giảm phí, lệ phí nhằm khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến vì tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp. Theo tờ trình của Bộ Tài chính, tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công nộp trực tuyến năm 2022 chỉ đạt 35,62%, tương ứng 9,6 triệu hồ sơ được nộp trực tuyến/27 triệu tổng số hồ sơ dịch vụ công.

Tuy nhiên, nêu rõ những vướng mắc trong dự thảo, VCCI cho rằng đề xuất miễn, giảm phí, lệ phí xuất phát từ đề xuất của các bộ, ngành phụ trách cung cấp dịch vụ công đó mà không rõ các đề xuất này xuất phát từ tiêu chí lựa chọn nào.

“Việc khuyến khích có hiệu quả, thực chất hơn khi áp dụng với các dịch vụ công mà người dân, doanh nghiệp có nhu cầu lớn và việc thực hiện trực tuyến với các dịch vụ này chưa phổ biến. Do đó, các dịch vụ này cần đáp ứng hai tiêu chí: (1) số lượng hồ sơ lớn và (2) tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến thấp”, VCCI.

Vì vậy, để đảm bảo tính hợp lý, khả thi của dự thảo, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo thống kê các dịch vụ công theo hai tiêu chí này, trên cơ sở đó, đề xuất các loại dịch vụ công thuộc diện giảm phí, lệ phí.

Về mức giảm phí, lệ phí, VCCI cho biết dự thảo quy định mức giảm phí, lệ phí theo từng loại dịch vụ công theo đề xuất của bộ ngành phụ trách cung cấp dịch vụ công đó. Tuy nhiên, mức giảm rất khác nhau giữa các dịch vụ công.

Bên cạnh một số dịch vụ giảm 50% như phí, lệ phí sở hữu công nghiệp, phí khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, có các dịch vụ có mức giảm tương đối hạn chế, chủ yếu chỉ giảm 10% so với mức phí ban đầu.

Rõ ràng, mức giảm thấp như vậy có thể không tạo động lực khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Bên cạnh đó, việc giảm phí, lệ phí chỉ có tác động tích cực khi thu hút thêm người dân, doanh nghiệp sử dụng bên cạnh những người sử dụng sẵn có. Do đó, “chính sách miễn, giảm không nhất thiết cần thực hiện trong thời gian quá dài mà nên có mức giảm mạnh trong một thời gian nhất định”, VCCI kiến nghị.

Vì vậy, cơ quan này đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc đề xuất mức giảm phí, lệ phí theo hướng các dịch vụ công thuộc diện giảm phí, lệ phí theo kết quả lọc tiêu chí ở trên ở hưởng mức giảm theo hai mức.

Một, miễn phí, lệ phí (giảm 100%) với các dịch vụ công có số lượng nộp hồ sơ trực tuyến rất thấp.

Hai, giảm 50% phí, lệ phí với các dịch vụ công có số lượng nộp hồ sơ trực tuyến thấp.

Ngoài ra, VCCI lưu ý việc giảm phí, lệ phí cũng cần được thể hiện rõ ràng, trực quan trên các cổng thông tin để người dân, doanh nghiệp biết và chú ý, tương tự như các biển quảng cáo giảm giá trong thời gian nhất định.

Gợi mở chính sách khuyến khích người sử dụng mới, VCCI cho rằng hình thức trực tuyến với dịch vụ công ở một số phương diện cũng có thể được coi là một “sản phẩm” mới, cần phải “quảng bá” để thu hút người dùng mới, hay nói cách khác là thu hút người dân, doanh nghiệp đang nộp theo hình thức trực tiếp chuyển sang nộp theo hình thức trực tuyến.

Một trong những cách làm có thể cân nhắc là miễn phí cho người dùng mới như một cách cho phép dùng thử sản phẩm, bên cạnh việc việc cải tiến sản phẩm.

“Cách làm như vậy sẽ giúp việc miễn, giảm đi thực chất vào việc kéo thêm người dùng, thay vì miễn, giảm cho toàn bộ người dùng, trong đó có một số người dùng dịch vụ trực tuyến sẵn”, VCCI nêu quan điểm.

Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định theo hướng miễn phí, lệ phí với một số lần làm thủ tục trực tuyến đầu tiên của người dùng trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Chẳng hạn, doanh nghiệp chưa thực hiện dịch vụ công trực tuyến nào sẽ được miễn phí chẳng hạn 20 lần làm thủ tục trực tuyến, không phân biệt loại dịch vụ công.

Trường hợp còn nhiều dịch vụ chưa liên kết với Cổng Dịch vụ công quốc gia, cân nhắc thêm việc miễn phí, lệ phí khi thực hiện tại các cổng dịch vụ công khác, với số lượng miễn phí thấp hơn chẳng hạn miễn 2 lần thực hiện/cổng.

https://vneconomy.vn/vcci-de-xuat-manh-tay-mien-giam-le-phi-su-dung-dich-vu-cong-truc-tuyen.htm