Kết quả khảo sát này là một căn cứ để giải thích cho sự vững vàng của nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh lãi suất tăng cao như hiện nay…
Tổng tài sản ròng của người Mỹ tăng với tốc độ nhanh chưa từng thấy trong thời gian từ năm 2019 đến năm 2022, phản ánh những biến động kinh tế to lớn trong thời gian đại dịch Covid-19 và sự gia tăng giá trị của bất động sản và tài sản tài chính – theo dữ liệu do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố ngày 18/10.
Cuộc khảo sát mang tên Survey of Consumer Finances (Kháo sát tài chính người tiêu dùng) do Fed thực hiện cho thấy giá trị tài sản ròng trung bình của người Mỹ sau khi trừ đi lạm phát đã tăng 37% vào năm 2022 so với năm 2019 – năm trước khi đại dịch xảy ra. Đây là cuộc khảo sát được thực hiện 3 năm 1 lần kể từ năm 1989, đo đếm toàn diện các chỉ số gồm thu nhập, giá trị tài sản ròng, mức độ sử dụng thẻ tín dụng, mức nợ và các thông số tài chính khác của các hộ gia đình Mỹ.
Tuy là những dữ liệu mang tính chất nhìn lại, kết quả khảo sát này là một căn cứ để giải thích cho sự vững vàng của nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh lãi suất tăng cao như hiện nay.
Mức tăng tài sản 37% của người Mỹ trong thời gian 2019-2022 chủ yếu đến từ sự gia tăng của giá trị bất động sản và chứng khoán vượt xa tốc độ lạm phát.
Trong đó, nhóm 25% hộ gia đình nghèo nhất ở Mỹ có tài sản ròng tăng lên mức 3.500 USD vào năm 2022 từ mức 400 USD vào năm 2019. Nhóm 10% hộ giàu nhất, tài sản ròng trung bình tăng lên mức 3,79 triệu USD, từ mức 3,01 triệu USD.
Tài sản ròng trung bình của các hộ gia đình là người da đen tăng 60%, đạt 44.900 USD; của các hộ gia đình da trắng tăng 31% đạt 285.0000 USD; của các hộ gia đình gốc Mỹ Latin và Tây Ban Nha tăng 47%, đạt 62.000 USD.
Tỷ lệ sở hữu nhà của người Mỹ tăng lên mức 66,1% trong kỳ báo cáo, từ mức 64,9% của kỳ trước, nhưng giá trị ròng trung bình của một căn nhà ở Mỹ (là giá trị căn nhà trừ đi khoản nợ thế chấp bằng nhà) tăng 45%. Trong kỳ 3 năm trước đó, cuối thời kỳ tăng trưởng kinh tế Mỹ mạnh nhất trong lịch sử, giá trị ròng trung bình của một căn nhà ở Mỹ chỉ tăng 13%.
Trong một nghiên cứu khác, Fed chi nhánh New York ước tính rằng hàng triệu hộ gia đình Mỹ đã hưởng lợi 430 tỷ USD trong thời kỳ bùng nổ của hoạt động đảo nợ các khoản vay thế chấp nhà – khi các khoản vay cũ được đổi sang các khoản vay mới với thời hạn và lãi suất có lợi hơn cho người vay.
Làn sóng di cư liên quan đến đại dịch, khi nhiều người Mỹ chuyển nhà tới những khu vực có mức giá sinh hoạt phải chăng hơn hoặc các vùng nông thôn vì họ có thể làm việc từ xa, cũng đóng một vai trò trong việc làm gia tăng giá trị bất động sản và rút ngắn khoảng cách thu nhập giữa nông thôn và thành thị – theo báo cáo của Fed.
Sự tăng trưởng bùng nổ của giá trị bất động sản được ghi nhận ở tất cả các tầng lớp thu nhập khác nhau, đồng thời vượt xa mức tăng trưởng giá trị tài sản tài chính. Nhờ đó, mức độ hợp lý của giá nhà ở Mỹ đã giảm xuống mức thấp lịch sử. Theo dữ liệu mà Fed đưa ra, giá trị trung bình của một căn nhà ở nước này ở thời điểm năm 2022 lớn gấp 4,6 lần so với thu nhập trung bình hàng năm của hộ gia đình.
Biến động kinh tế trong thời gian đại dịch cũng khiến tỷ lệ sở hữu doanh nghiệp ở Mỹ tăng lên. Năm 2022, 20% số hộ gia đình ở nước này sở hữu một cơ sở kinh doanh tư nhân, mức cao nhất trong lịch sử – báo cáo của Fed cho hay. Thu nhập thực trung bình của hộ gia đình tăng 3% trong thời gian từ 2019 đến 2022, với mức tăng lớn nhất rơi vào những hộ giàu nhất.
Tài sản tăng nhưng nợ của người Mỹ cũng tăng. Tỷ lệ hộ gia đình có nợ đã tăng từ mức 77,4% vào năm 2019 lên mức 76,6% vào năm 2022. Trong cơ cấu nợ của người Mỹ, tỷ lệ các khoản vay “mua trước, trả sau” tăng 8 điểm phần trăm trong thời gian trên, lên mức 18,5% vào năm 2022. Loại hình vay nợ này ngày càng phổ biến ở Mỹ trong những năm gần đây trong việc mua sắm hàng hoá và dịch vụ.
Báo cáo của Fed cho thấy 7% hộ gia đình ở nước này có khoản vay “mua trước trả sau” ở thời điểm năm 2022, với dư nợ trung bình là 300 USD.
https://vneconomy.vn/tai-san-cua-nguoi-my-tang-ky-luc.htm