Có đến 28% hộ gia đình đang gặp khó khăn về tài chính, điều này tạo ra biến động trong xu hướng tiêu dùng, nhất là giai đoạn cuối năm…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã có dấu hiệu phục hồi trong quý 3/2023, tuy nhiên chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng tăng trở lại và đây có thể là rào cản đối với tăng trưởng.

Điều đó càng đáng quan tâm hơn khi tiêu dùng vốn là một động lực tăng trưởng của Việt Nam, nhưng trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, người tiêu dùng thường sẽ xem xét lại mức độ quan trọng của hàng hóa và dịch vụ đối với gia đình và có xu hướng ưu tiên những sản phẩm mang lại giá trị trong cuộc sống hàng ngày của họ hơn.

Thông tin tại hội thảo “Những biến động thị trường và cơ hội kinh doanh mùa cuối năm”, diễn ra đầu tháng 10 vừa qua, Công ty Kantar Việt Nam (đơn vị nghiên cứu thị trường) đã công bố kết quả khảo sát thị trường cho thấy, dù kinh tế trong nước phục hồi nhẹ, nhưng người tiêu dùng vẫn đang bị ảnh hưởng về việc làm, thu nhập nên xu hướng tiêu dùng thay đổi nhiều.

Bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Phát triển kinh doanh cấp cao Kantar Việt Nam, cho biết có đến 28% hộ gia đình đang gặp khó khăn về tài chính (trong khi giai đoạn bình thường mới sau dịch chỉ trên dưới 21%). Gần 1/2 số gia đình được khảo sát đã thắt chặt chi tiêu bằng cách giảm đi ăn uống ở bên ngoài và giảm sử dụng dịch vụ giải trí.

Từ đó, người tiêu dùng hiện nay thay đổi thứ tự các yếu tố quan tâm khi mua sắm, lựa chọn sản phầm theo tiêu chí: Ưu tiên sức khỏe, tăng trải nghiệm tại nhà, cá nhân hóa nhu cầu, đồng thời tối ưu hóa chi tiêu bằng lựa chọn sản phẩm giảm giá, so sánh giá giữa các kênh phân phối…

Thực tế đang đặt ra cho các doanh nghiệp một bài toán, cần phải đưa ra những kế hoạch cân đối danh mục sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của nhiều nhóm người tiêu dùng khác nhau, trong thời điểm phân hóa ngày càng nhiều, cần phải có chương trình kích cầu trong ngắn hạn để giữ chân người dùng.

Xu hướng mua quà tặng, trong đó có quà tặng dịp Tết sắp tới là tính đến tính ứng dụng cao và sự đa dạng trong một món quà, thay vì ưu tiên chọn theo thương hiệu, hình thức như trước.

Chính vì vậy, việc giữ được mối liên kết và giá trị sản phẩm là vô cùng quan trọng để thu hút người mua trong dịp Tết 2024. Những sản phẩm có tính ứng dụng cao như thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) có thể sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.

Theo các chuyên gia tham dự hội thảo, doanh nghiệp sản xuất cần nắm rõ sự thay đổi của thị hiếu, thói quen và khả năng chi tiêu của người tiêu dùng để cùng với đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp thì kết hợp với nhau làm mới sản phẩm theo xu hướng “xanh” từ bao bì đến thành phẩm.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết có nhiều yếu tố bất định, nhiều sự thay đổi của thị trường, quan trọng nhất hiện nay là các doanh nghiệp phải nắm chắc những thông tin, dự báo và đồng thời chọn lựa giải pháp của mình từ ngắn hạn đến dài hạn để có thể đáp ứng được những yêu cầu mới của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, bà Hạnh cho rằng yếu tố quan trọng nhất hiện nay vẫn là chất lượng sản phẩm. Thứ hai là hệ thống phân phối đang có những sự thay đổi và sự lựa chọn của người tiêu dùng.

https://vneconomy.vn/bien-dong-thi-truong-va-co-hoi-kinh-doanh-mua-cuoi-nam.htm