Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành kế hoạch phát triển vận tải theo hướng đồng bộ, hiện đại, hiệu quả và bảo đảm an toàn giao thông vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhằm thúc đẩy phát triển vận tải các tỉnh, thành phố trong vùng: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc…

Bộ Giao thông vận tải chú trọng chuyển đổi phương thức vận tải hàng hóa từ đường bộ sang đường sắt, đường thủy, vận tải ven biển.
Bộ Giao thông vận tải chú trọng chuyển đổi phương thức vận tải hàng hóa từ đường bộ sang đường sắt, đường thủy, vận tải ven biển.

Kế hoạch của Bộ Giao thông vận tải nhằm thực hiện Nghị quyết số 30/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 14/2023 của Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 30.

PHÁT TRIỂN VẬN TẢI ĐA PHƯƠNG THỨC

Một trong những mục tiêu quan trọng của kế hoạch là nâng cấp, cải tạo và nâng cao hiệu quả khai thác các cảng hàng không hiện có trong vùng; ưu tiên bố trí các trung tâm logistics tại các cảng hàng không có nhu cầu vận tải lớn hơn 250.000 tấn/năm.

Cùng với đó, đổi mới công nghệ xếp dỡ tại các đầu mối vận tải, áp dụng các công nghệ tiên tiến, phát triển đồng bộ dịch vụ hỗ trợ vận tải, vận tải đa phương thức, nâng cao chất lượng dịch vụ logistics.

Để tăng khối lượng hàng hóa vận chuyển, giảm chi phí vận tải biển, giảm chi phí logistics đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, Bộ Giao thông vận tải sẽ ưu tiên phát triển vận tải đa phương thức trên các hành lang vận tải chính, nhất là hành lang Bắc – Nam và các hành lang kết nối với cảng biển cửa ngõ quốc tế.

Hệ thống cảng cạn cũng được đầu tư phát triển làm đầu mối kết nối các phương thức vận tải, cung cấp các dịch vụ logistics.

Hệ thống kho bãi, thiết bị xếp dỡ, đường giao thông tại các cảng đầu mối để kết nối dịch vụ vận tải đường thủy nội địa với các phương thức vận tải khác cũng được đầu tư bằng phương thức xã hội hóa.

Bên cạnh đó, dịch vụ vận tải giữa các phương thức cũng được kết nối thông qua việc kết nối hoạt động của các doanh nghiệp.

Bộ Giao thông vận tải cũng đưa ra cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện hình thành các doanh nghiệp vận tải có quy mô lớn, có khả năng thực hiện các chuỗi vận tải nội địa, quốc tế với giá thành hợp lý, chất lượng cao. Chú trọng đầu tư phương tiện chở container trên đường thủy nội địa, đường biển; nâng cao năng lực xếp dỡ container tại các đầu mối tập kết hàng hóa, đặc biệt là các khu vực trọng điểm sản xuất nông nghiệp, thủy, hải sản.

Nhằm tăng tính minh bạch của thị trường vận tải, nâng cao hiệu quả khai thác, Bộ Giao thông vận tải cũng sẽ tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của các sàn giao dịch vận tải, logistics để tạo điều kiện kết nối giữa đơn vị vận tải và chủ hàng.

“Chuyển đổi phương thức vận tải hàng hóa từ đường bộ sang đường sắt, đường thủy, vận tải ven biển và giảm hệ số chạy rỗng của phương tiện, giảm ùn tắc hàng hóa trong hoạt động vận tải và chuỗi cung ứng dịch vụ logistics”, Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh.

GỠ KHÓ CƠ CHẾ, PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG VẬN TẢI

Với quan điểm cần tối ưu hóa tuyến đường vận tải, giảm thiểu tình trạng xe chạy rỗng, tiết kiệm chi phí, Bộ Giao thông vận tải sẽ nghiên cứu các biện pháp hỗ trợ để nâng cao hiệu quả hoạt động của các sàn giao dịch vận tải; khuyến khích doanh nghiệp vận tải ứng dụng công nghệ để quản lý giám sát phương tiện và tích cực tham gia sàn giao dịch vận tải hàng hóa.

Đối với doanh nghiệp vận tải đường thủy nội địa, các cơ chế, chính sách sẽ được điều chỉnh nhằm thu hút doanh nghiệp tiếp tục đầu tư phương tiện, nâng cấp, đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị bốc xếp tại các cảng thủy nội địa, đặc biệt là bốc xếp container.

Cùng với đó, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục rà soát, điều chỉnh khung giá dịch vụ cảng biển đối với từng khu vực nhằm đưa ra khung giá sát nhất với thực tiễn hoạt động; đồng thời, có biện pháp phù hợp để tăng cường quản lý các loại phụ thu của hãng tàu, tránh thu tuỳ tiện, bất hợp lý.

Bộ Giao thông vận tải cũng sẽ nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh các cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp vận tải biển phù hợp với thực tiễn nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh của đội tàu quốc gia, đủ năng lực đảm nhận thị trường vận tải biển nội địa; đồng thời, tăng thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu.

Để đạt được các mục tiêu phát triển vận tải vùng đồng bằng sông Hồng, Bộ Giao thông vận tải sẽ tập trung tạo môi trường pháp lý đầy đủ cho quản lý phát triển thị trường vận tải; thu hút các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh vận tải; đẩy mạnh cải cách hành chính.

Cùng với đó, hoàn thiện hệ thống pháp luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư; cơ chế chính sách xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ vận tải như cảng cạn, cảng biển, cảng thủy nội địa, trạm dừng nghỉ, đóng mới tàu thuyền…

Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện, đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính sách vận tải, chú trọng các cơ chế chính sách về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và khai thác vận tải, đặc biệt là đối với hệ thống dịch vụ công trực tuyến, hệ thống giao thông thông minh, sàn giao dịch vận tải, trí tuệ nhân tạo…

https://vneconomy.vn/bo-giao-thong-van-tai-len-ke-hoach-khai-thac-tiem-nang-phat-trien-van-tai-dong-bang-song-hong.htm