Cử tri TP.HCM cho rằng đạo đức kinh doanh trong dịch vụ vận tải hàng hóa, chở hành khách hiện không đảm bảo, do đó, cần bổ sung quy định bộ tiêu chí, đạo đức kinh doanh trong lĩnh vực này để bảo vệ quyền lợi khách hàng…
Phản hồi kiến nghị của cử tri TP.HCM, Bộ Giao thông vận tải cho biết trong lĩnh vực vận tải đường bộ, hiện có đủ các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; quyền hạn và trách nhiệm của người vận tải, người thuê vận tải, lái xe và hành khách đi xe.
Để quy định của pháp luật về vận tải đường bộ bằng xe ô tô đi vào cuộc sống và được thực thi hiệu quả, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho các đơn vị liên quan nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí đạo đức kinh doanh trong vận tải hàng hóa phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế của xã hội.
Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cũng như tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh các hành vi vi phạm.
Trong lĩnh vực vận tải hàng hải, Bộ Giao thông vận tải cho biết đối với vận tải hàng hoá bằng đường biển, nghĩa vụ, trách nhiệm của người vận tải hàng hoá được quy định tại một số văn bản quy phạm pháp luật.
“Theo đó người vận chuyển phải thực hiện tất cả các nghĩa vụ đối với việc vận tải hàng hoá theo đúng hợp đồng ký kết với khách hàng và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các hành vi vi phạm theo quy định”, Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.
Đối với vận tải hành khách được quy định tại các thông tư của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, theo đó quy định rõ nghĩa vụ, trách nhiệm người vận tải hành khách trong việc bảo đảm các điều kiện an toàn cho hành khách, việc niêm yết công khai giá vé; chế độ miễn giảm giá vé, chế độ phục vụ hành khách văn minh lịch sự…
Ngoài ra, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” trong việc cấp phát hơn 1 triệu tờ rơi, băng rôn, cẩm nang, tài liệu..; cấp phát hơn 22.000 áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân…
Trong lĩnh vực vận tải đường thủy nội địa, đối với vận tải hành khách có quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách hành lý, bao gửi trên đường thủy nội địa phục vụ hành khách văn minh, lịch sự (nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách).
Bộ Giao thông vận tải cũng quy định về việc đào tạo đối với thuyền viên, người lái phương tiện thuỷ có quy định đối với thái độ, đạo đức nghề nghiệp có quy định tại thông tư của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng xây dựng tiêu chí mô hình văn hoá giao thông đường thuỷ nội địa các yếu tố cơ bản đáp ứng một số yêu cầu đặc thù trong hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa như: tiêu chí văn hoá giao thông đường thuỷ tại khu dân cư, xóm làng trên và ven sông hồ, vùng vịnh, ven biển, các đảo thuộc đường thuỷ nội địa…
Trong lĩnh vực vận tải hàng không, đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách và hàng hóa nói chung, cũng như vận tải bằng đường hàng không nói riêng, đây đều là những hoạt động cung cấp dịch vụ vận chuyển trên cơ sở hợp đồng vận chuyển được thống nhất giữa doanh nghiệp và hành khách.
Theo quy định, các điều lệ vận chuyển hàng không được đăng ký với cơ quan quản lý để bảo đảm đáp ứng những quy định trong hoạt động vận chuyển của ngành hàng không, phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như những điều kiện tại Việt Nam; đồng thời là cơ sở để cơ quan quản lý thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong hoạt động vận chuyển hàng không của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.
Để đảm bảo việc chấp hành các quy định liên quan đến nghĩa vụ, trách nhiệm của người vận chuyển, người cung cấp dịch vụ trên địa bàn cảng hàng không, sân bay, Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không Việt Nam (Cục Hàng không Việt Nam) và các cảng vụ hàng không khu vực duy trì công tác kiểm tra giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ của các doanh nghiệp trong dây chuyền vận chuyển hàng không, xử lý kịp thời các hành vi của các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về bảo vệ quyền lợi hành khách, về chống buôn bán hàng giả và gian lận thương mại.
Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không Việt Nam cũng yêu cầu các hãng hàng không, các đơn vị cung cấp dịch vụ tăng cường đào tạo kiến thức, kỹ năng, phong cách làm việc của nhân viên trong phục vụ hành khách.
Trong lĩnh vực vận tải đường sắt, Bộ Giao thông vận tải cho biết hiện nay, có đủ các quy định của pháp luật về: điều kiện kinh doanh vận tải đường sắt; quyền và trách nhiệm của người vận tải, người thuê vận tải, hành khách, đồng thời có các chế tài về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực vận tải đường sắt.
Mặt khác, tại các nhà ga, đại lý vận tải doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt đều niêm yết công khai các quy định về vận tải hành khách, hàng hóa, biểu giá cước, giá vé để bảo đảm quyền lợi cho khách hàng.
Trong thời gian tới, để đáp ứng nhu cầu quản lý hoạt động vận tải nói chung và nâng cao đạo đức kinh doanh trong dịch vụ vận tải hàng hóa, chở hành khách nhằm bảo vệ quyền lợi khách hàng nói riêng, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh các hành vi vi phạm.
Đồng thời, nghiên cứu việc thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” như lĩnh vực vận tải đường thủy đang thực hiện để nhân rộng triển khai cho các loại hình vận tải khác, đề nghị Hiệp hội vận tải (hàng hóa, hành khách), hiệp hội logistics, hiệp hội nghề nghiệp về vận tải để phối hợp thực hiện.
https://vneconomy.vn/bo-giao-thong-van-tai-siet-thanh-tra-ngan-dao-duc-kinh-doanh-van-tai-xuong-cap.htm