Chia sẻ tại cuộc họp về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng chiều ngày 4/4, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng làm rõ hai chính sách kỳ vọng đem lại đột phá, khác biệt cho thành phố. Đó là thành lập khu thương mại tự do và phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…
Với lợi thế về điều kiện hạ tầng kỹ thuật như sân bay quốc tế Đà Nẵng, cảng biển, cơ sở lưu trú, hạ tầng đô thị, hệ thống giáo dục, y tế phát triển khá toàn diện đã giúp Đà Nẵng hình thành từng bước hệ thống dịch vụ, logistics, trung tâm cung cấp dịch vụ y tế, giáo dục đào tạo của khu vực miền Trung – Tây Nguyên và cả nước.
Tại Nghị quyết số 43-NQ/TW, Bộ Chính trị đồng ý chủ trương cần có cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung – Tây Nguyên và cả nước.
CHÍNH SÁCH KHÁC BIỆT ĐEM LẠI NHỮNG CƠ HỘI TỶ USD
Đáng chú ý, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 37/NQ-CP ngày 30/3/2024 đề nghị xây dựng Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng.
Chính phủ thống nhất thông qua đề nghị và giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký tờ trình của Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung việc xây dựng Nghị quyết sửa đổi vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024; trình Quốc hội quyết định, ban hành Nghị quyết và thông qua tại một kỳ họp.
Nhiều điểm khác biệt về các chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng được Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng chia sẻ tại cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng chiều ngày 4/4 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết có 06 chính sách hoàn toàn tương tự các tỉnh, thành phố đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại các Nghị quyết đặc thù. Còn 10 chính sách có điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn của thành phố từ kinh nghiệm triển khai ở TP.HCM, Khánh Hoà.
Đáng chú ý, Đà Nẵng đưa ra 05 chính sách đề xuất mới, mở rộng thêm các đối tượng nhưng phù hợp với chủ trương chung và bao quát hết tất cả những ngành, lĩnh vực hiện nay thành phố đang quan tâm phát triển chẳng hạn như công nghiệp bán dẫn mà cơ chế đặc thù trước đây cho TP.HCM không có.
“Trong đó, có 2 chính sách rất đáng quan tâm, có tính chất đột phá, mang tính chất khác biệt với tất cả những chính sách Quốc hội đã ban hành cho các địa phương khác”, ông Quảng nhấn mạnh.
Một là, chính sách thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với Cảng Liên Chiểu, đây là chính sách thành phố đề xuất mới, ngay cả trong luật chưa có khái niệm.
Theo đó, Khu thương mại tự do Đà Nẵng là khu chức năng, được thành lập để thực hiện các mục tiêu thu hút đầu tư, phát triển hoạt động sản xuất, dịch vụ hậu cần cảng, logistics, thương mại – dịch vụ, kinh doanh hàng miễn thuế; bao gồm các khu chức năng: sản xuất; hậu cần cảng – logistics; thương mại – dịch vụ.
Khu thương mại tự do Đà Nẵng có ranh giới địa lý xác định, ngăn cách với khu vực bên ngoài bằng hàng rào cứng, bảo đảm hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan của cơ quan hải quan và các cơ quan có liên quan. Quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa khu thương mại tự do Đà Nẵng với bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu.
“Một trong những lĩnh vực Đà Nẵng có thế mạnh, tỷ trọng lớn trong cơ cấu GDP là ngành du lịch, dịch vụ. Muốn nâng cao chất lượng du lịch, dịch vụ phải có những đột phá, có hạ tầng để phục vụ. Nếu xây khu thương mại tự do như trong đề xuất sẽ tạo ra sự phát triển đột biến cho ngành dịch vụ”.
(Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng).
Dẫn chứng từ chuyến công tác của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sang Trung Quốc đầu tháng 4/2024, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng khu thương mại tự do có sức hút rất lớn với các nhà đầu tư.
Chính vì vậy, cần ban hành những ưu đãi đặc biệt về mặt trình tự, thủ tục đối với nhà đầu tư khi đầu tư vào khu thương mại tự do. Chẳng hạn, trình tự thủ tục đầu tư thông thường 9 tháng nhưng được rút ngắn chỉ còn khoảng 2-3 tháng.
Ông Quảng phân tích một trong những lực cản rất lớn trong việc thu hút đầu tư các nhà đầu tư chiến lược là về thủ tục. Dù chính sách tốt nhưng thủ tục cứ tuần tự, chắc chắn rằng không có nhà đầu tư nào đồng ý rót vốn.
Hai là, cơ chế chính sách phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng lĩnh vực này phù hợp với khả năng, điều kiện của thành phố và lĩnh vực này đang trở thành xu thế, từ đó, sẽ trở thành một động lực cho các địa phương, trong đó có Đà Nẵng chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đều xác định phải tiến tới đào tạo 50.000 nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này.
“Chúng tôi tiên phong trong việc đề xuất để trở thành một trong những trung tâm đào tạo lớn của cả nước và đang quá trình xúc tiến với các tập đoàn lớn, họ đều đặt câu hỏi Đà Nẵng có chính sách gì để thu hút đầu tư và cùng hợp tác”, ông Quảng bày tỏ.
Cũng theo lãnh đạo TP. Đà Nẵng, ngày 23/4 tới đây, Phó Chủ tịch Tập đoàn Nvidia sẽ có buổi làm việc 2 ngày để nắm lại toàn bộ cơ chế, chính sách tại Việt Nam để về báo cáo cho chủ tịch xem xét, quyết định đầu tư, hoặc trung tâm đào tạo, hoặc trung tâm dữ liệu lớn, hoặc đưa một phần từ Đài Loan về Việt Nam nếu đáp ứng đủ điều kiện.
Nhiều quan điểm cho rằng Tập đoàn Nvidia đặt chân vào quốc gia nào chính là niềm vinh dự cho quốc gia đó. Chính vì vậy, theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, nếu như bây giờ cũng không có những chính sách cụ thể thu hút, ưu đãi đầu tư chắc chắn không bao giờ các tập đoàn này đặt chân, rót vốn vào Việt Nam.
Sắp tới ngày 4/5, Phenikaa và thành phố sẽ thông qua bản ghi nhớ về việc triển khai, nếu không có những chính sách cụ thể cho nhà đầu tư thấy được hai bên cùng có lợi, sẽ không bao giờ Đà Nẵng có cơ hội kéo nhà đầu tư vào.
LÀM RÕ CÁC CƠ CHẾ
Trước những cơ hội chuyển mình sắp tới, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng mong đợi trong quá trình tham gia góp ý được các cơ quan, bộ, ngành ủng hộ chính sách để thực sự đem lại tác động vào sự phát triển của thành phố. Các chính sách sẽ được cụ thể hóa, thí điểm 2-3 năm, khi thành công sẽ được nhân rộng lên.
Điểm quan trọng tiếp theo, theo ông Quảng, quá trình tổ chức triển khai sau khi Quốc hội thông qua cũng phải được áp dụng, thực thi trên thực tế, tránh tình trạng một số địa phương khi tổ chức triển khai, thực hiện lại gặp vướng mắc.
Tại cuộc họp, lãnh đạo thành phố cũng bày tỏ nỗi trăn trở vẫn để lại, chưa đưa vào nghị quyết đó là Thí điểm thành lập trung tâm tài chính quốc tế tại Đà Nẵng.
Theo ông Quảng, về cơ sở chính trị, trung tâm tài chính được xác định tại Nghị quyết 26 Bộ Chính trị, tuy nhiên, đây một vấn đề rất khó nên lúc đầu dự kiến đưa vào dự thảo nghị quyết, thế nhưng qua quá trình thảo luận thấy rằng hiện nay cơ chế, nội hàm còn rất nhiều vấn đề, động chạm đến rất nhiều cơ chế nhiều bậc nên tạm thời đưa ra nội dung này khỏi nghị quyết.
Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố tha thiết đề xuất Chính phủ quy định về hồ sơ, trình tự thủ tục thành lập, thí điểm một số cơ chế chính sách đột phá vượt trội, cạnh tranh quốc tế để xây dựng trung tâm tài chính khi cơ sở chính trị, cơ sở về mặt pháp luật đã có, từ đó, thực hiện các mục tiêu thu hút vốn phát triển tài chính, thương mại đầu tư, tạo lập môi trường thuận lợi để thử nghiệm giải pháp công nghệ đổi mới sáng tạo…
Khi Chính phủ quy định các nội hàm, như vậy là đặt “một chân” về mặt pháp lý, trên cơ sở đó các bộ, ngành sẽ bàn sâu, kỹ lưỡng hơn để tổ chức triển khai.
Lắng nghe các ý kiến tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đề nghị các cơ quan làm rõ sự cần thiết trong việc xây dựng các cơ chế đặc thù trong nghị quyết. Trong đó, tập trung vào các cơ chế ưu đãi, rủi ro, thủ tục và thẩm quyền, chủ yếu làm rõ các cơ chế nào để thu hút được đầu tư, cơ chế nào để tự do hóa về thương mại, thu hút được nhân tài và có thể phát triển được các dịch vụ tài chính, thương mại.
Cũng theo đánh giá của Bộ trưởng, khi các địa phương làm chính sách thường hay xin hai điều, đó là xin tiền và xin quyền. Theo đó, làm sao để tăng thêm ngân sách hoặc để lại nhiều hơn cho địa phương và phân cấp nhiều hơn cho địa phương để chủ động hơn nhưng dự thảo nghị quyết của Đà Nẵng lại có nhiều chính sách tốt, cách tiếp cận mới.
Trong đó, mục tiêu lớn của Đà Nẵng đó là xây dựng khu thương mại tự do. Theo Bộ trưởng, nhiều người hiểu khu thương mại tự do là khu thuận lợi về thủ tục thương mại, thông quan hàng hóa nhưng thực chất, đây là một khu kinh tế tổng hợp, dùng các cơ chế chính sách mạnh để mở cửa, thu hút đầu tư, tạo thuận lợi thương mại, giảm chi phí, thời gian thực hiện các thủ tục. Các danh mục hạn chế đầu tư phải giảm tối đa.
Bên cạnh đó, phát triển ngành bán dẫn là nội dung rất quan trọng, trung tâm tài chính thì phải nghiên cứu tiếp…
Các nội dung của chính sách trong đề cương dự thảo Nghị quyết được xây dựng theo 2 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù với 34 chính sách cụ thể, bao gồm: Nhóm 1 là chính sách về tổ chức mô hình chính quyền đô thị của TP. Đà Nẵng (8 chính sách). Nhóm 2 là các chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng được đề xuất thực hiện thí điểm với 26 chính sách.
Một số điểm nổi bật trong dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/06/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng:
Đà Nẵng muốn lập Sở An toàn Thực phẩm như TP.HCM. Thành phố được vay không vượt quá 60% số thu ngân sách.
Bên cạnh đó, thành phố thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon, thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng. Doanh nghiệp có dự án đầu tư trong Khu thương mại tự do Đà Nẵng được áp dụng quy định về chế độ ưu tiên trong việc thực hiện thủ tục hải quan. Nhiều đối tượng không bị giới hạn về số lượng và giá trị hàng hóa khi mua hàng miễn thuế ở Khu thương mại – dịch vụ thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng.
Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp TP. Đà Nẵng có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh các nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết trong phạm vi khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu công nghiệp, Khu thương mại tự do Đà Nẵng.
Thành phố được thí điểm thực hiện thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đối với dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật.
Danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào thành phố như: R&D, AI, bán dẫn, PE, IC, Thương mại tự do… Ưu đãi đầu tư xây dựng và kinh doanh tổng thể Cảng biển Liên Chiểu, quy mô vốn đầu tư từ 45.000 tỷ đồng trở lên. Đầu tư phát triển vi mạch, bán dẫn, đối tác chiến lược là các doanh nghiệp doanh thu toàn cầu năm gần nhất trên 1 tỷ USD…
https://vneconomy.vn/bo-sung-co-che-dac-thu-bi-thu-thanh-uy-da-nang-nhan-manh-vao-hai-chinh-sach-dot-pha.htm