5 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 đi qua các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa hiện còn khoảng 10% mặt bằng chưa được bàn giao. Để đảm bảo tiến độ các dự án, Phó Thủ tướng đề nghị giải quyết dứt điểm khó khăn, bàn giao toàn bộ mặt bằng trong quý 3…

Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đoạn đi qua các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa gồm 5 dự án thành phần dài 351,2 km.
Cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 đoạn đi qua các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa gồm 5 dự án thành phần dài 351,2 km.

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 334/TB-VPCP về Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại buổi kiểm điểm và làm việc về tình hình thực hiện các dự án thành phần qua các tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa thuộc dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

GIẢI QUYẾT DỨT ĐIỂM VƯỚNG MẮC MẶT BẰNG TRONG QUÝ 3

Giữa tháng 8 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà kiểm tra hiện trường dự án thành phần đoạn Vân Phong – Nha Trang và chủ trì cuộc họp tại trụ sở UBND tỉnh Khánh Hòa về tình hình thực hiện các dự án thành phần qua các tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa thuộc dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021- 2025.

Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 đoạn đi qua các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa gồm 5 dự án thành phần với tổng chiều dài 351,2 km. Tiến độ thực hiện đạt 5,8% giá trị hợp đồng, chậm 2,3% so với kế hoạch.

Phó Thủ tướng đánh giá cao Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành và 4 địa phương tích cực, nỗ lực, quyết tâm triển khai các dự án thành phần. Đến nay, các địa phương bàn giao mặt bằng đạt 310/351,2km đạt 89% và cơ bản giải quyết những vấn đề khó khăn liên quan đến mỏ vật liệu xây dựng.

Để đáp ứng tiến độ hoàn thành dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 đúng tiến độ theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ giao, yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành và các địa phương thực hiện một số nội dung cụ thể.

Theo đó, về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Phó Thủ tướng yêu cầu cần huy động cả hệ thống chính trị dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy (Trưởng Ban chỉ đạo về công tác giải phóng mặt bằng) để triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư; ưu tiên tái định cư tại chỗ (xen cư tại chỗ); các khu tái định cư tập trung phải chuẩn bị sớm, đủ hạ tầng với nguyên tắc nơi ở mới phải tốt hơn hoặc ít nhất phải bằng nơi ở cũ.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tập trung giải quyết với tinh thần, trách nhiệm, quyết tâm cao nhất để xử lý, tháo gỡ các đường găng, điểm nghẽn, giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng theo đúng các mốc tiến độ yêu cầu của Chính phủ; phấn đấu bàn giao toàn bộ mặt bằng trong quý 3/2023.

Về chuyển mục đích sử dụng rừng, chuyển mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa hai vụ trở lên, Phó Thủ tướng đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo các sở, ngành địa phương phối hợp chặt chẽ với các Ban Quản lý dự án để rà soát kỹ lưỡng, tổng hợp chính xác số liệu phần diện tích đất rừng, đất trồng lúa gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định; các địa phương chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác của số liệu xác định, cung cấp.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan làm rõ cơ quan có thẩm quyền quyết định đối với nội dung điều chỉnh chuyển mục đích sử dụng rừng, đất trồng lúa của dự án. Đồng thời tiếp tục hướng dẫn thủ tục đóng tiền vào Quỹ đối với các địa phương không còn đất để chuyển đổi rừng nhằm đáp ứng tiến độ theo kế hoạch, hoàn thành trong tháng 8 năm 2023.

Về di dời hạ tầng kỹ thuật, Phó Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về tiến độ công tác di dời hạ tầng kỹ thuật; lưu ý các hạng mục di dời đường điện cao thế có quy mô kỹ thuật phức tạp, tổng mức đầu tư lớn.

Bộ Công Thương chỉ đạo EVN và các đơn vị liên quan khẩn trương đề xuất xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện di dời đường điện; chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc thực hiện công tác di dời đường điện của các đơn vị trực thuộc bảo đảm tiến độ; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải làm việc cụ thể với các địa phương về thực hiện công tác di dời hạ tầng kỹ thuật (đường điện, mạng viễn thông…), báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 8/2023.

LƯU Ý THI CÔNG KHU VỰC NGHI NGỜ BẤT THƯỜNG VỀ ĐỊA CHẤT

Để tháo gỡ khó khăn về vật liệu xây dựng thông thường, Phó Thủ tướng đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố có mỏ vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ dự án khẩn trương thực hiện thủ tục để đưa mỏ vào khai thác theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường để đáp ứng nhu cầu và tiến độ thi công; chịu trách nhiệm giám sát an toàn, môi trường trong quá trình khai thác.

Đồng thời, kịp thời xử lý, tháo gỡ các vướng mắc liên quan đường tiếp cận các mỏ vật liệu, tránh ảnh hưởng đến tiến độ khai thác các mỏ vật liệu.

Bên cạnh đó, các địa phương khẩn trương xem xét, thực hiện các đề nghị của Bộ Giao thông vận tải tại văn bản số 8748/BGTVT-CQLXD ngày 10/8/2023 liên quan đến mỏ vật liệu xây dựng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với cơ quan liên quan hướng dẫn thủ tục để tạm trữ khối lượng vật liệu đất dư thừa (đất đào khi thi công công trình, không có nhu cầu sử dụng phục vụ trực tiếp dự án). Các địa phương chủ động rà soát, bố trí mặt bằng để tạm trữ và quản lý khối lượng vật liệu đất dư thừa này theo quy định

Về nghiên cứu cát biển làm vật liệu xây dựng, Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng khẩn trương thực hiện các chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại các văn bản: số 88/TB-VPCP ngày 22/3/2023, số 2546/VPCP-CN ngày 14/4/2023, số 5800/VPCP-CN ngày 31/7/2023 của Văn phòng Chính phủ về nghiên cứu, đánh giá thí điểm việc sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng cho hạ tầng giao thông và xây dựng.

“Bộ Tài nguyên và Môi trường tính toán, xác định và khoanh các vùng cát biển, hướng dẫn trình tự, thủ tục thăm dò, khai thác, đánh giá tác động môi trường để khai thác phục vụ thi công các đường cao tốc và công trình xây dựng khác ngay sau khi có kết quả nghiên cứu, đánh giá”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Đối với nhà thầu thi công, chịu trách nhiệm toàn diện về chất lượng công trình, hạng mục công trình do mình thực hiện. Thực hiện rà soát, khảo sát hiện trường trước khi triển khai thi công, đặc biệt là các khu vực có nghi ngờ bất thường về điều kiện địa chất công trình, địa chất thủy văn, có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng công trình, kịp thời xử lý không để xảy ra sự cố công trình trong quá trình thi công, khai thác.

Về công tác thiết kế, thi công, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các chủ thể tham gia dự án phải tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu kỹ thuật, bảo đảm chất lượng công trình, an toàn thi công, bảo đảm môi trường.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu liên quan thực hiện dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đảm bảo tiến độ, chất lượng, đảm bảo an toàn.

Trong đó, đối với các đơn vị tư vấn thiết kế, cần nâng cao trách nhiệm, bảo đảm chất lượng trong công tác điều tra, khảo sát xây dựng gắn với nhu cầu vật liệu xây dựng (đất, đá, cát, sỏi), đánh giá tác động môi trường, cảnh quan theo quy hoạch của địa phương để lựa chọn khu vực khai thác vật liệu bảo đảm tính kinh tế – kỹ thuật, cảnh quan môi trường; thẩm định thiết kế, lựa chọn phương án kỹ thuật phải bảo đảm tính bền vững công trình, thích ứng biến đổi khí hậu; nghiên cứu giải pháp thiết kế tối ưu, công nghệ phù hợp với điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn khu vực dự án.

Đối với các đơn vị tư vấn giám sát, thực hiện đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm theo hợp đồng và quy định của pháp luật, chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và chủ đầu tư về những công việc được giao; giám sát chặt chẽ chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của vật tư, vật liệu và thiết bị sử dụng cho công trình, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu của hồ sơ thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật của dự án…

Về trạm dừng nghỉ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà lưu ý Bộ Giao thông vận tải rà soát, bố trí các trạm dừng nghỉ hợp lý, triển khai đầu tư xây dựng công trình trạm dừng nghỉ bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật, công khai, minh bạch và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu khai thác đồng bộ các dự án thành phần trên toàn tuyến Bắc – Nam phía Đông. Trạm dừng nghỉ phải bảo đảm mỹ quan, tiện nghi, chất lượng tốt phục vụ phương tiện, lái xe, hành khách…

Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 đoạn đi qua các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa gồm 5 dự án thành phần (Quảng Ngãi – Hoài Nhơn; Hoài Nhơn – Quy Nhơn; Quy Nhơn – Chí Thạnh; Chí Thạnh – Vân Phong và Vân Phong – Nha Trang) với tổng chiều dài 351,2 km; tổng mức đầu tư 70.255 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện đạt 5,8% giá trị hợp đồng, chậm 2,3% so với kế hoạch.

https://vneconomy.vn/cham-tien-do-5-du-an-cao-toc-bac-nam-pho-thu-tuong-de-nghi-ban-giao-mat-bang-trong-quy-3.htm