Nhiều chuyên gia cho rằng không nên vì “không quản được thì cấm”, mà nhiệm vụ cấp bách là phải xây dựng khuôn khổ pháp luật đồng bộ, thống nhất nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với loại nhà “chung cư mini”, giúp phát triển an toàn, lành mạnh…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, liên quan đến những tồn tại về phòng cháy chữa cháy ở các “chung cư mini”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết thời gian tới, Bộ yêu cầu địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, rà soát để chấn chỉnh, xử lý nghiêm cấp đã để xảy ra sai phạm trong đầu tư xây dựng và hoạt động của loại hình này. Đồng thời đôn đốc, chỉ đạo chủ nhà khẩn trương có giải pháp cải tạo khu vực để xe, khu vực dễ phát sinh cháy nổ, bố trí lối thoát cho cư dân một cách thuận lợi nhất…

TĂNG CƯỜNG RÀ SOÁT ĐỂ CHẤN CHỈNH

Bộ Xây dựng sẽ tập trung chỉ đạo việc đầu tư trang thiết bị bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, rà soát lại toàn bộ hệ thống điện tòa nhà; mua sắm thêm công cụ phòng chống cháy như mặt nạ phòng độc giúp người dân bảo đảm an toàn. Tuy nhiên việc quản lý, vận hành “chung cư mini” vẫn cần đơn vị chức năng, địa phương quan tâm bố trí người bảo vệ đủ sức khỏe, có kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm để xử lý cháy nổ; có nội quy hướng dẫn giúp người dân biết cách quản lý, vận hành khi sống trong chung cư, một cách thống nhất.

Trong chia sẻ gần đây, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu nêu ý kiến: Hiện nay “chung cư mini” được xây dựng nhiều tại thành phố lớn, nhằm phục vụ nhu cầu nhà ở của một bộ phận dân cư, nhất là người thu nhập thấp. Chỉ riêng Hà Nội theo báo cáo đã có 2.000 “nhà chung cư mini”, còn TP.Hồ Chí Minh ước khoảng 42.256 nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê… Từ thực tế trên cho thấy, cả nước đang tồn tại hàng ngàn “nhà chung cư mini” với hàng chục ngàn người sinh sống; và nhu cầu thuê, mua căn hộ “nhà chung cư mini” rất lớn. Vì thế buộc  phải tỉnh táo, sáng suốt lựa chọn giải pháp “nên quản, không nên cấm nhà chung cư mini”.

Theo ông Châu, “nhà chung cư mini” không phải “sản phẩm lỗi” của giai đoạn thị trường bất động sản phát triển “nóng” trước đây như ý kiến một số chuyên gia, mà “nhà chung cư mini” có căn hộ để cho thuê hoặc để bán, là sản phẩm nhà ở cần thiết với xã hội trong 13 năm qua, hiện nay và có thể trong nhiều thập niên sắp tới. Bởi đây là loại căn hộ nhà ở có giá cho thuê, giá bán vừa túi tiền, phù hợp nhiều thành phần của xã hội – những người thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị, sinh viên, học sinh, người độc thân, người mới kết hôn, người nhập cư.

Thậm chí cho đến khi thực hiện được mục tiêu của Đảng đặt ra, đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao thì lúc đó nhu cầu “nhà chung cư mini” có lẽ vẫn tồn tại; do xã hội lúc nào cũng còn tầng lớp người thu nhập thấp đô thị, công nhân, lao động, người nhập cư, có nhu cầu mua, thuê loại nhà này, song yêu cầu về chất lượng, tiện ích, dịch vụ chắc chắn phải ngày càng cao. Ngay những nước công nghiệp phát triển thì vẫn có loại nhà “chung cư mini”.

THỜI ĐIỂM THUẬN LỢI ĐỂ XÂY DỰNG QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT ĐẦY ĐỦ

Mặc dầu vậy, HoREA đánh giá thời điểm này rất thuận lợi để xây dựng quy định pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất nhằm quản lý loại “nhà chung cư mini”. Bởi Quốc hội khóa 15 tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10-11/2023 dự kiến xem xét, thông qua nhiều luật, trong đó có dự thảo Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và một số luật liên quan, nhằm bảo đảm tính đồng bộ theo chủ trương Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Vì thế, đề nghị bổ sung quy định thật “chặt chẽ” đối với loại “nhà ở riêng lẻ” của cá nhân, hộ gia đình được phép xây dựng thành “nhà chung cư mini”, đồng thời với sửa đổi một số quy định của Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Phòng cháy chữa cháy với nhận thức là, cần thiết phải “luật hóa” loại “nhà ở riêng lẻ” của cá nhân, hộ gia đình được phép xây dựng thành “nhà chung cư mini”, để tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, giúp “nhà chung cư mini” phát triển an toàn, lành mạnh.

Trong đó, bổ sung quy định về đầu tư xây dựng “nhà chung cư mini” phải lập dự án; phải chấp hành và tuân thủ quy định pháp luật về thẩm duyệt, nghiệm thu công trình “nhà chung cư mini”, bao gồm công trình phòng cháy chữa cháy; bổ sung quy định về kinh doanh cho thuê hoặc bán căn hộ “nhà chung cư mini”, thì phải đăng ký kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật; bổ sung quy định về quản lý vận hành “nhà chung cư mini” tương tự như quản lý vận hành “nhà chung cư” và Bộ Xây dựng bổ sung “quy chuẩn kỹ thuật về nhà chung cư mini” vào “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư”  sẽ quản lý chặt chẽ và phát triển loại “nhà chung cư mini” an toàn, lành mạnh.

“Nhà nước “nên quản, không nên cấm nhà chung cư mini”, không nên vì “không quản được thì cấm”, mà nhiệm vụ cấp bách là phải xây dựng khuôn khổ pháp luật đồng bộ, thống nhất để tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với loại “nhà chung cư mini” để phát triển an toàn, lành mạnh”, ông Châu bày tỏ.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho rằng cần thêm các quy định yêu cầu cao hơn, chặt chẽ hơn về đầu tư, xây dựng “chung cư mini”. Tuyệt đối tránh phê duyệt “chung cư mini” có vị trí sâu trong ngõ, khó tiếp cận. Tương tự, những dự án nhà ở khác, “chung cư mini” cần quy định tối thiểu về hạ tầng xung quanh, và “năng lực, trách nhiệm” của người chủ “chung cư mini” phải được quy định rõ, không thể cứ có đất, có tiền là xây “chung cư mini” để bán hay cho thuê.

Nhưng ở góc độ rộng hơn, sâu xa hơn, việc giải quyết “chốn ở” cho phần đông người dân mới là vấn đề mấu chốt. Quan niệm của người dân Việt, “có an cư mới lạc nghiệp” nên tìm được căn nhà phù hợp khả năng tài chính để ổn định cuộc sống là điều bất cứ người dân nào cũng mong muốn. “Khơi thông nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá bình dân” chính là mấu chốt giúp giải quyết triệt để vấn đề; mà muốn cải thiện nguồn cung loại sản phẩm này rất cần thêm cơ chế, chính sách tạo điều kiện tối đa cho chủ đầu tư phát triển.

https://vneconomy.vn/chung-cu-mini-khong-nen-vikhong-quan-duoc-thi-cam.htm