Sự phục hồi ì ạch của nền kinh tế Trung Quốc gần đây là do Chính phủ rút lại các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng “hơi sớm”, sau khi đạt được các số liệu kinh tế tốt hơn kỳ vọng trong quý 1…
Kể từ khi Trung Quốc gỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng dịch Covid-19 vào tháng 12 năm ngoái, các số liệu kinh tế của nước này vẫn gây thất vọng với giới đầu tư – những người đang trông trờ vào sự phục hồi đột phá theo hình chữ V. Trong tháng 4, tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ Trung Quốc ghi nhận mức kỷ lục hơn 20%.
Trong một báo cáo công bố mới đây, ông Larry Hu, nhà kinh tế trưởng phụ trách Trung Quốc của tập đoàn tài chính Macquarie, cho rằng sự phục hồi ì ạch của nền kinh tế Trung Quốc gần đây là do Chính phủ rút lại các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng “hơi sớm”, sau khi đạt được các số liệu kinh tế tốt hơn kỳ vọng trong quý 1.
Tuy nhiên, ông cho rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ sớm phục hồi mạnh mẽ hơn sau đại dịch, đồng nghĩa nước này sẽ chưa rơi vào trạng thái trì trệ theo kiểu Nhật Bản.
Ông dự báo thời gian tới, các nhà làm luật Trung Quốc sẽ trở lại với các chính sách hỗ trợ trong bối cảnh giảm phát và tỷ lệ thất nghiệp cao ở thanh niên. Các biện pháp này có thể được áp dụng nhiều hơn và cấp bách hơn.
“Khi sự phục hồi diễn ra trên diện rộng hơn, nền kinh tế sẽ bước vào vòng xoáy đi lên với nhu cầu mạnh mẽ và niềm tin của nhà đầu tư tốt hơn”, ông Hu nhận định.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, tại một cuộc họp vào thứ Sáu tuần trước, Quốc vụ viện Trung Quốc đã kêu gọi cải thiện môi trường kinh doanh và tháo gỡ các rào cản tiếp cận thị trường. Nước này cũng sẽ tăng cường các ưu đãi dành cho xe năng lượng mới như một biện pháp để kích cầu tiêu dùng.
Chủ trì cuộc họp, Thủ tướng Trung Quốc nhấn mạnh nền tảng cho sự phục hồi của nền kinh tế nước này vẫn chưa vững chắc.
“Dù điều tồi tệ nhất đã qua đi, sự phục hồi (của nền kinh tế Trung Quốc) vẫn chưa bền vững”, ông Hu nhận xét. “Các doanh nghiệp vẫn chưa muốn tuyển dụng lao động do nhu cầu tiêu dùng còn yếu, trong khi người tiêu dùng chưa muốn chi tiêu mạnh do thị trường lao động yếu”.
Theo ông, “vòng xoáy đi xuống tự thân” như vậy của Trung Quốc hiện nay khá giống với “thập kỷ lạc lối” của Nhật Bản.
Vào những năm 1970 và 1980, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh chóng nhưng sau đó sớm rơi vào trì trệ khi bong bóng vỡ vào những năm 1990, kéo theo giá cổ phiếu và bất động sản lao dốc. Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong nhiều thập kỷ, cho đến khi bị Trung Quốc “qua mặt” vào năm 2010.
“Việc nền kinh tế Trung Quốc chưa thể phục hồi vững chắc chủ yếu là một hiện tượng mang tính chu kỳ chứ không phải hiện tượng mang tính cấu trúc”, ông Hu nói. “Lịch sử cho thấy mối lo về sự ‘Nhật Bản hóa’ sẽ lắng xuống khi nền kinh tế Trung Quốc phục hồi vững chắc hơn”.
Vị chuyên gia cũng chỉ ra rằng trước đây cũng từng xuất hiện mối lo về sự phục hồi kinh tế Trung Quốc vào năm 2012, 2016 và 2019, tất cả đều dẫn tới các đợt điều chỉnh của thị trường trong quý 2 của những năm đó, trước khi chỉ số MSCI China Index quay đầu tăng điểm.
Tính từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu quỹ iShares MSCI China ETF, dõi chỉ số chứng khoán Trung Quốc cho các nhà đầu tư quốc tế, đã giảm khoảng 4%. Tuy nhiên, hiện tại mới chỉ là 4 tháng đầu năm, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nên việc dự báo xu hướng trong dài hạn không hề dễ dàng, đặc biệt trong bối cảnh lĩnh vực bất động sản – một động lực tăng trưởng của nền kinh tế – vẫn chưa phục hồi.
https://vneconomy.vn/chuyen-gia-kinh-te-trung-quoc-se-khong-tri-tre-kieu-nhat-ban.htm