Tính đến tháng 4/2024, có 85 doanh nghiệp nhà nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp. Trong khi đó, tiến trình cổ phần hoá vẫn “dậm chân tại chỗ”, còn thoái vốn 4 doanh nghiệp thu về 149,2 tỷ đồng…
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU 85 DOANH NGHIỆP
Cụ thể, nhóm 22 doanh nghiệp trung ương gồm: 11 doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tổng công ty Mobifone, Tập đoàn Cao su Việt Nam…); 5 doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông vận tải (Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Miền Bắc, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Miền Nam, Công ty Thông tin điện tử hàng hải, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, Nhà Xuất bản giao thông).
Cùng với đó là 3 doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng (Tổng công ty Cơ khí xây dựng (COMA), Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), Tổng Công ty lắp máy Việt Nam); 2 doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính (Công ty Mua bán nợ Việt Nam, Tập đoàn Bảo Việt); 1 doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng.
Các đơn vị còn lại đang triển khai xây dựng đề án cơ cấu lại doanh nghiệp để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Trước đó, tính đến cuối năm 2023 đã có 76 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án cơ cấu lại doanh nghiệp. Như vậy, trong 4 tháng đầu năm 2024 có thêm 9 doanh nghiệp được phê duyệt đề án.
Đánh giá về tình hình cổ phần hóa, Cục Tài chính doanh nghiệp, cho biết năm 2023 và tháng 4/2024, các đơn vị tiếp tục triển khai công tác cổ phần hóa theo phê duyệt kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 và Quyết định số 184/QĐ-TTg ngày 20/02/2024.
Tuy nhiên, tình hình vẫn “dậm chân tại chỗ” khi chưa có doanh nghiệp nào được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa.
Trước đó, ngày 29/11/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1479/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 – 2025.
Theo đó, giai đoạn 2022 – 2025 cổ phần hóa 19 doanh nghiệp, trong đó có một số doanh nghiệp lớn như Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam…
Đồng thời, thoái vốn nhà nước đầu tư tại 141 doanh nghiệp, trong đó có một số doanh nghiệp có phần vốn nhà nước cần phải thoái lớn như: Tổng công ty Cơ khí xây dựng, Tổng Công ty cổ phần Sông Hồng, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam, Tổng công ty Viglacera, Tổng công ty Truyền hình Cáp Việt Nam (VTVcab)…
THOÁI VỐN THU VỀ GẦN 150 TỶ ĐỒNG
Về tình hình thoái vốn, thông tin từ Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho thấy tháng 4/2024 ghi nhận Bộ Xây dựng đã thoái vốn tại Tổng công ty Sông Hồng thu về 139,032 tỷ đồng.
“Trong 4 tháng đầu năm 2024 đã thực hiện thoái vốn nhà nước tại 4 doanh nghiệp với tổng giá trị phần vốn nhà nước là 139 tỷ đồng, thu về 149,2 tỷ đồng, trong đó, UBND TP. Hải Phòng thoái vốn tại 3 doanh nghiệp; Bộ Xây dựng đã thoái vốn tại 01 doanh nghiệp”.
Báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính).
Trước đó, trong năm 2023 đã thoái vốn nhà nước tại 5 doanh nghiệp, trong đó 04 doanh nghiệp theo Quyết định số 1479/QĐ-TTg, 1 doanh nghiệp theo Thông báo số 281/TB-VPCP, với giá trị 11,7 tỷ đồng, thu về 24,02 tỷ đồng.
Các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước đã thoái vốn tại 7 doanh nghiệp với giá trị là 53,5 tỷ đồng thu về 206,3 tỷ đồng.
Các đơn vị còn lại tiếp tục triển khai các công tác phục vụ thoái vốn theo kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 và Quyết định số 184/QĐ-TTg ngày 20/2/2024.
Theo Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội, giai đoạn 2021 – 2025 thu từ nguồn cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước theo kế hoạch là 248.000 tỷ đồng (ngân sách trung ương 200.000 tỷ đồng; ngân sách địa phương 48.000 tỷ đồng).
Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch thu hồi vốn nhà nước tại một số tổ chức kinh tế do Trung ương quản lý cụ thể từng năm, theo đó năm 2021 là 40.000 tỷ đồng; năm 2022, 2023 lần lượt là 20.000 tỷ đồng; 3.000 tỷ đồng. Năm 2024, Thủ tướng giao thu từ nguồn cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước là 4.000 tỷ đồng (Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 10/12/2023).
Tuy nhiên, do tiến trình thoái vốn, cổ phần hoá ì ạch nên đến 2021-2022, nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp khoảng 4.800 tỷ đồng, chỉ đạt 8% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao là 60.000 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cho biết trong năm 2024 sẽ thực hiện quyết liệt, thực chất, có hiệu quả tái cơ cấu doanh nghiệp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước gắn với đổi mới quản trị doanh nghiệp.
Theo đó, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, khuyến khích đổi mới sáng tạo và quản trị theo chuẩn mực quốc tế tiên tiến; bảo toàn, phát triển vốn và các nguồn lực Nhà nước giao; đảm bảo việc cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu như: điện, nước, xăng dầu…, nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội và nền kinh tế.
Cùng với đó, thúc đẩy công khai, minh bạch thông tin và tăng cường trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp; nâng cao hiệu lực công tác quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước.
“Triển khai hiệu quả đề án cơ cấu lại từng tập đoàn, tổng công ty sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng nội dung, kế hoạch, tiến độ và quy định của pháp luật”, Bộ Tài chính nêu rõ.
Ngoài ra, xử lý các dự án thua lỗ, kém hiệu quả theo cơ chế thị trường và tuân thủ quy định của pháp luật. Việc xử lý bằng các hình thức giải thể, phá sản phải đảm bảo lợi ích cao nhất của Nhà nước nước, người lao động và các nhà đầu tư.
https://vneconomy.vn/co-phan-hoa-dam-chan-tai-cho-thoai-von-nha-nuoc-4-thang-dau-nam-chi-dat-150-ty-dong.htm