Thị trường chứng khoán Hàn Quốc mở cửa phiên giao dịch đầu tuần trong không khí nặng nề sau vụ tai nạn thảm khốc của Jeju Air – tai nạn máy bay gây thiệt mạng nghiêm trọng nhất trong lịch sử đất nước.

Cổ phiếu của hãng hàng không giá rẻ lớn thứ ba Hàn Quốc này đã lao dốc 15.7% ngay từ đầu phiên, chạm mức thấp nhất kể từ khi niêm yết năm 2015.

Tác động tài chính của vụ tai nạn thể hiện rõ qua việc vốn hóa của Jeju Air “bốc hơi” 95.7 tỷ Won (tương đương 65.2 triệu USD) chỉ trong vài giờ giao dịch. Không chỉ vậy, AK Holdings – công ty mẹ của hãng, cũng chứng kiến cổ phiếu giảm mạnh 12%, xuống mức thấp nhất trong 16 năm.

Vụ tai nạn ngày 29/12 tại Sân bay Quốc tế Muan đánh dấu một bước ngoặt đen tối trong lịch sử hoạt động của Jeju Air. Đây là tai nạn gây tử vong đầu tiên kể từ khi hãng thành lập vào năm 2005. Trước tình hình này, Quyền Tổng thống Hàn Quốc Choi Sang-mok đã yêu cầu tiến hành kiểm tra an toàn khẩn cấp toàn bộ hệ thống vận hành hàng không của đất nước.

Trên thị trường chứng khoán, diễn biến của các cổ phiếu hàng không khác cho thấy sự phân hóa rõ rệt. Trong khi Air Busan tăng hơn 15%, Jin Air và T’way Air ban đầu tăng mạnh nhưng sau đó quay đầu giảm. Hai hãng hàng không truyền thống là Korean Air Lines và Asiana Airlines cũng chịu áp lực giảm điểm, lần lượt 1,3% và 0,8%.

Theo nhận định của Yang Seung-yoon, Chuyên gia phân tích tại Eugene Investment Securities, dù cần thời gian để xác định nguyên nhân tai nạn, nhưng tâm lý người tiêu dùng chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Ông nhấn mạnh rằng uy tín là yếu tố sống còn đối với các hãng hàng không giá rẻ, nơi ghế ngồi và dịch vụ không có nhiều khác biệt.

Làn sóng tác động đã lan rộng sang ngành du lịch khi các công ty trong lĩnh vực này buộc phải tạm dừng các hoạt động quảng cáo và khuyến mãi. Theo báo cáo của hãng tin Yonhap, số lượng hủy gói tour đã tăng gấp đôi trong khi lượng đặt chỗ giảm một nửa tại một số đơn vị điều hành. Điều này phần nào lý giải việc cổ phiếu của các công ty du lịch như Hanatour Service và Very Good Tour lao dốc lần lượt 7% và 11%.

Đặc biệt đáng chú ý, nhiều nạn nhân trong vụ tai nạn được xác nhận đang trên đường trở về từ kỳ nghỉ lễ, càng khiến cho tác động tâm lý đối với ngành du lịch trở nên sâu sắc hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng dù có thể xuất hiện làn sóng hủy chuyến trong ngắn hạn, nhu cầu du lịch khó có khả năng suy yếu về mặt cấu trúc trong dài hạn.

https://vietstock.vn/2024/12/co-phieu-jeju-air-roi-tu-do-sau-vu-tai-nan-may-bay-tham-khoc-773-1256534.htm