Giá dầu giảm trong phiên giao dịch biến động ngày thứ Hai (06/01), sau một số dữ liệu kinh tế yếu kém từ Mỹ và Đức.

Vào đầu phiên, giá dầu thô tiến lên mức đỉnh 12 tuần nhờ sự hỗ trợ từ đồng USD suy yếu và khi một cơn bão mùa đông thúc đẩy nhu cầu năng lượng để sưởi ấm nhà cửa và doanh nghiệp ở Mỹ.

Sau khi tăng 5 phiên liên tiếp, kết thúc phiên ngày 06/01, hợp đồng dầu Brent lùi 21 xu (tương đương 0.27%) lên 76.30 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 40 xu (tương đương 0.54%) còn 73.56 USD/thùng.

Mức suy giảm này đã đẩy cả 2 hợp đồng dầu thô ra khỏi vùng quá mua (overbought) về mặt kỹ thuật lần đầu tiên sau 3 ngày.

Vào ngày 03/01, hợp đồng dầu Brent đã đóng cửa ở mức cao nhất kể từ ngày 14/10/2024 và hợp đồng dầu WTI khép phiên tại mức cao nhất kể từ ngày 11/10/2024, một phần nhờ kỳ vọng có thêm nhiều biện pháp kích thích tài khoá để phục hồi nền kinh tế đang suy yếu của Trung Quốc.

Với sự quan tâm đến giao dịch năng lượng tăng lên trong những tuần gần đây, hợp đồng dầu WTI tương lai mở trên Sàn giao dịch New York (NYSE) đã tăng vọt lên 1.933 triệu hợp đồng vào ngày 03/01, nhiều nhất kể từ tháng 6/2023.

Tại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, số đơn đặt hàng hàng hoá lâu bền đã giảm trong tháng 11/2024 trong bối cảnh nhu cầu về máy bay thương mại suy yếu trong khi chi tiêu của doanh nghiệp cho thiết bị dường như đã chậm lại trong quý 4/2024, theo dữ liệu từ Cục Điều tra Dân số của Bộ Thương mại Mỹ.

Tại Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, lạm phát hằng năm tăng cao hơn so với dự báo trong tháng 12/2024 do giá thực phẩm tăng cao và giá năng lượng giảm ít hơn so với tháng trước.

Để đối phó với lạm phát cao hơn, các ngân hàng trung ương thường tăng lãi suất, điều này có thể làm trì trệ tăng trưởng kinh tế và làm giảm nhu cầu dầu.

https://vietstock.vn/2025/01/dau-lui-nhe-sau-du-lieu-kinh-te-yeu-tu-my-va-duc-34-1259628.htm