Hoạt động điều hành chính sách tiền tệ đang phải giải quyết cùng lúc nhiều vấn đề, mục tiêu, nhưng không thuận chiều…
Ngày 22/8, Ngân hàng Nhà nước tổ chức hội thảo tìm giải pháp tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Tại hội thảo, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết ngoài tín dụng, 2 nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành ngân hàng trong những tháng tới là kiểm soát tốt lạm phát và giữ tỷ giá ổn định.
Theo đó, từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ cân nhắc vấn đề hạ lãi suất điều hành, bởi vì trên thực tế, lãi suất điều hành không còn nhiều tác động mạnh đến thị trường, đặc biệt là đối với các ngân hàng thương mại. Các ngân hàng thương mại hiện nay thừa thanh khoản, không vay Ngân hàng Nhà nước.
“Lãi suất chính sách chỉ có tác dụng khi các ngân hàng thương mại vay Ngân hàng Nhà nước, vì thế câu chuyện lúc này là các ngân hàng thương mại phải tăng cường tiết kiệm chi phí để hạ lãi suất cho vay. Chúng tôi đã chỉ đạo, vận động các ngân hàng đặt trách nhiệm với nền kinh tế lên trên hết trong lúc này. Tới đây cũng sẽ làm mạnh”, ông Đào Minh Tú nói.
Nói về những khó khăn mà nhà điều hành chính sách tiền tệ đang phải đối mặt, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh đến 5 thách thức.
Thứ nhất, kiểm soát lạm phát vẫn là ưu tiên cao nhất của nhà điều hành. Trong trường hợp lạm phát phi mã, sẽ đảo lộn toàn bộ nền kinh tế và ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ đời sống xã hội.
Thứ hai, giảm lãi suất nhưng phải đảm bảo ổn định tỷ giá. Về mối quan hệ này, ông Tú phân tích: mất tỷ giá sẽ làm đảo lộn niềm tin của nhà đầu tư, tạo áp lực lên Chính phủ khi đi vay nợ nước ngoài. Chưa kể, doanh nghiệp, người dân sẽ đổ xô nắm giữ ngoại tệ, xuất nhập khẩu đảo lộn, phản ánh hết vào giá thành các sản phẩm tiêu dùng. “Phải giữ vững tỷ giá. Lãi suất mà giảm sâu thì không ai gửi tiền ngân hàng, quay sang nắm giữ USD để kỳ vọng USD lên giá, thế là mất tỷ giá ngay”, ông Tú cho biết.
Thứ ba, giảm lãi suất cho vay nhưng lại phải hạn chế giảm lãi suất huy động. Ông Tú cho rằng đây là bài toán khó.
Thứ tư, phải tăng tín dụng nhưng cũng phải tăng chất lượng tín dụng, đây cũng là hai dòng nước ngược chiều nhau. Phó Thống đốc cho rằng, không thể thận trọng mà nói không tăng trưởng tín dụng, cũng không thể không kiểm soát an toàn của tổ chức tín dụng vì an toàn hệ thống chính là an toàn, an ninh của tài chính quốc gia.
Thứ năm, thị trường tiền tệ từ trước tới nay luôn gánh cung ứng vốn cho nền kinh tế, cả vốn ngắn hạn, trung dài hạn. Thị trường trái phiếu, chứng khoán được kỳ vọng giải bài toán huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế nhưng thời gian qua các thị trường này khó khăn, tín dụng lại phải gánh thêm bài toán vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế.
Sau khi chỉ ra 5 thách thức trong điều hành chính sách tiền tệ, ông Đào Minh Tú nhấn mạnh thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục có các giải pháp linh hoạt, vừa đảm bảo thông lệ quốc tế, vừa giữ được lòng tin và kỳ vọng của thị trường.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết bên cạnh việc đôn đốc các tổ chức tín dụng tích cực cắt giảm thủ tục tiếp cận tín dụng, cắt giảm các loại phí cho khách hàng, nhà điều hành sẽ căn cứ điều kiện thực tế để có điều chỉnh phù hợp về chính sách cơ cấu, giãn hoãn lại nợ tại Thông tư 02.
Cùng đó, các tổ chức tín dụng phải tích cực ứng dụng công nghệ để tăng khả năng tiếp cận vốn. Đồng thời, ngành ngân hàng sẽ tăng cường đối thoại với doanh nghiệp, chính quyền địa phương, các bộ/ngành để có thể kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp.
https://vneconomy.vn/dieu-hanh-chinh-sach-tien-te-dang-doi-mat-voi-5-thach-thuc-lon.htm