Các “ông lớn” bán lẻ như Amazon, Costco hay Walmart đều có chuỗi riêng, doanh nghiệp Việt Nam khó chen chân nếu không có đột phá về chất lượng, năng lực cạnh tranh…
Theo Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương), sau đại dịch Covid-19 và trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn do các bất ổn về địa chính trị, xu hướng tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu của Việt Nam cũng như xu hướng thu mua của các kênh phân phối quốc tế được đánh giá là có nhiều thay đổi. Điều này cũng đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam thích ứng với những thay đổi đó.
ĐÍCH THU MUA HÀNG HÓA TRỌNG YẾU
Đơn cử như tại châu Âu, một trong những thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, đang hướng tới mặt hàng thực phẩm xanh, sạch. Các tiêu chuẩn môi trường, trách nhiệm xã hội, lao động được ban hành ngày càng chặt chẽ. Đặc biệt, Ủy ban châu Âu (EC) vừa có đề xuất áp dụng chương trình trách nhiệm nhà sản xuất mở rộng bắt buộc (EPR) với doanh nghiệp sản xuất dệt may. Theo đó, doanh nghiệp sản xuất dệt may phải đảm bảo trách nhiệm cho toàn bộ vòng đời của sản phẩm, hỗ trợ sự quản lý bền vững rác thải dệt may khắp châu Âu.
Ông Trần Ngọc Quân, Tham tán thương mại Việt Nam tại Bỉ, cho rằng việc đưa ra quy định khắt khe hơn với mặt hàng dệt may của EU sẽ gây sức ép rất lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Doanh nghiệp buộc phải chuẩn bị quy trình sản xuất tuần hoàn, giảm rác thải từ dệt may, sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, có thể tái chế. Nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn này, đây sẽ là cơ hội để hàng hóa Việt Nam có vị trí và chỗ đứng vững chắc tại thị trường châu Âu.
Theo dõi các doanh nghiệp thu mua ở Bỉ, ông Quân cho biết hiện nay họ không đơn thuần đi tìm các nhà xuất khẩu để mua hàng mà họ đồng hành cùng các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu. Họ đến Việt Nam cùng bắt tay với doanh nghiệp Việt xây dựng định hướng cho sản phẩm và đi cùng chu trình đó từ giai đoạn sản xuất, đến thu hái, bảo quản và xuất khẩu nhằm đáp ứng được các yêu cầu thị trường EU đặt ra.
Ông Christian Merizalde Aguilar, phụ trách chiến lược kinh doanh, Công ty Grupo Merica Food, cho biết năm 2022, công ty đã nhập khoảng 70 container hàng hóa từ Việt Nam với rất nhiều sản phẩm khác nhau. Chất lượng hàng hóa Việt Nam đã có sự gia tăng tốt, việc chuẩn hóa chất lượng đã được cải thiện qua nhiều năm. Hơn nữa, mức giá các sản phẩm từ Việt Nam khá cạnh tranh. Do đó, năm 2023, Công ty dự kiến sẽ tăng thu mua lên khoảng 110 container.
“Các sản phẩm chúng tôi thu mua của Việt Nam là nước dừa, nước trái cây, nha đam và mong tìm kiếm thêm nhiều sản phẩm khác. Chúng tôi cũng đang dự tính chuyển dịch một số mặt hàng vốn thu mua từ Thái Lan qua Việt Nam để tận dụng các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia và ký kết với EU”, ông Christian Merizalde Aguilar cho biết.
Đồng thời, ông nhấn mạnh, điều quan trọng với Grupo Merica Food là phải tận mắt chứng kiến các cơ sở sản xuất, nhà máy tại Việt Nam. Khi người tiêu dùng đã làm quen với hương vị của Việt Nam thì việc chuẩn hóa sản phẩm cũng như chất lượng sản phẩm của Việt Nam là yếu tố then chốt.
Ông Nguyễn Đức Trọng, Trưởng phòng cấp cao Phát triển nhà cung ứng khu vực châu Á (Tập đoàn Walmart), khẳng định Walmart đã xác định từ rất lâu Việt Nam sẽ trở thành điểm cung ứng sản phẩm chính ở Đông Nam Á và châu Á của Tập đoàn.
Đến năm 2027, dự kiến thị phần thu mua tại Việt Nam sẽ tăng lên rất nhiều không chỉ với các mặt hàng quần áo, giày dép, điện tử mà còn nhiều sản phẩm khác. Đặc biệt, không chỉ tập trung vào các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài mà cả các công ty thuần Việt.
ĐỔI MỚI, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH
Đại diện Tập đoàn Fast Retailing (chủ sở hữu thương hiệu Uniqlo) cho biết Việt Nam là một trong các cơ sở sản xuất chủ yếu và Tập đoàn mong muốn tiếp tục nỗ lực để phát triển hơn nữa, nhằm đảm bảo Việt Nam trở thành một cơ sở vững chắc, then chốt trong sản xuất các sản phẩm dệt may, nâng cao chuỗi cung ứng.
“Tuy nhiên, để sản xuất mặt hàng may mặc, nếu chỉ chú trọng vào sản xuất sau cùng đã không còn thích hợp nữa. Cần có sự hợp tác giữa yếu tố đầu vào và đầu ra để có thêm nhiều nhà máy nguyên liệu, phụ trợ nội địa. Nếu nền tảng đầu vào trong quá trình sản xuất vững chắc hơn, chúng tôi có thể phát triển nhiều cải tiến cho chuỗi cung ứng tại Việt Nam. Qua đó, có thể tăng cường sự hiện diện hơn nữa tại Việt Nam thông qua hợp tác với các nhà máy đối tác”, đại diện Tập đoàn Fast Retailing nhấn mạnh.
Vị đại diện này lưu ý việc phát triển nguồn nhân lực để nâng cao năng lực sản xuất đầu vào là một trong những yếu tố cơ bản để tăng sức cạnh tranh của dệt may Việt Nam, xét trên khía cạnh về giá cả và chất lượng.
Đối với quá trình thẩm tra nhà máy đối tác mới, đại diện Tập đoàn Fast Retailing cho biết đã tiến hành hoạt động này trước khi hợp tác kinh doanh. Quy trình này đảm bảo các đối tác tiềm năng tuân thủ với bộ quy tắc về đối tác sản xuất. Tập đoàn chỉ tiến hành hoạt động kinh doanh với các đối tác được xác nhận đã đáp ứng các tiêu chuẩn.
Ngoài ra, Fast Retailing cho rằng việc phát triển con người để duy trì việc năng cao năng lực sản xuất đầu vào là một trong những yếu tố cơ bản để nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong sản xuất, xét đến các khía cạnh về giá và chất lượng.
Còn Tập đoàn Amazon Global Selling tại Việt Nam cho biết 5 ngành hàng bán chạy nhất của các doanh nghiệp Việt Nam trên nền tảng liên tiếp trong 2 năm qua là: nhà bếp, nhà cửa, may mặc, sản phẩm chăm sóc sức khỏe và cá nhân, tiện ích gia đình. Đây cũng là các nhóm hàng mà Amazon kỳ vọng tìm kiếm thêm đối tác phát triển tại Việt Nam. Song, Tập đoàn cũng đưa ra 3 gợi ý cho doanh nghiệp Việt để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường thương mại điện tử quốc tế…
https://vneconomy.vn/dot-pha-chat-luong-de-tham-gia-sau-vao-chuoi-cung-ung-toan-cau.htm