Với lạm phát ở Mỹ đang giảm và nền kinh tế vẫn trụ vững sau 11 lần tăng lãi suất, ông Powell có thể cảm thấy ít cần thiết phải đưa ra một định hướng cụ thể đến công chúng và thị trường tài chính…
Từ khi trở thành Chủ tịch của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào năm 2018, ông Jerome Powell đã dùng các bài phát biểu của mình tại hội nghị ngân hàng trung ương thường niên tổ chức ở khu nghỉ dưỡng Jackson Hole, bang Wyoming để dọn đường cho các động thái điều chỉnh chính sách tiền tệ quan trọng. Nhưng ở hội nghị năm nay, ông được nhiều chuyên gia kỳ vọng sẽ không đưa ra một tín hiệu rõ ràng nào.
Với lạm phát ở Mỹ đang giảm và nền kinh tế vẫn trụ vững sau 11 lần tăng lãi suất, ông Powell có thể cảm thấy ít cần thiết phải đưa ra một định hướng cụ thể đến công chúng và thị trường tài chính. Thay vào đó, nhiều khả năng ông Powell sẽ “có sao nói vậy” về chính sách tiền tệ.
“Tôi cho rằng ông Powell sẽ trung lập một cách hết sức có thể. Điều đó sẽ giữ cho ông ấy nhiều lựa chọn hơn. Ông ấy không muốn tự nhốt mình theo cách này hay cách khác”, nhà kinh tế trưởng Joseph LaVorgna của công ty SMBC Nikko Securities America nói với hãng tin CNBC.
Nếu ông Powell thực sự đưa ra một lập trường chính sách tiền tệ không có cam kết cụ thể, thì bài phát biểu lần này của ông sẽ nằm ở điểm giữa của các bài phát biểu vào năm 2022 và 2020. Năm 2022, ông Powell đưa ra một bài phát biểu đầy cứng rắn, và hết sức ngắn gọn, cảnh báo lãi suất sẽ còn tăng cao hơn và nền kinh tế Mỹ có thể phải hứng chịu nhiều “nỗi đau”. Trước đó, vào năm 2020, ông công bố một khuôn khổ chính sách mới, trong đó Fed sẽ không tăng lãi suất cho tới khi đạt được mục tiêu việc làm “toàn dụng và bao trùm”.
ÔNG POWELL MUỐN ĐỂ NGỎ CÁC LỰA CHỌN
Dù giới phân tích dự báo về một bài phát biểu cẩn trọng của ông Powell vào buổi sáng ngày thứ Sáu theo giờ Mỹ, thị trường tài chính dường như vẫn đang tính đến khả năng Chủ tịch Fed cứng rắn. Điều này thể hiện qua việc thị trường chứng khoán Mỹ bán tháo trong phiên ngày thứ Năm và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng trở lại sau mấy phiên xuống thang.
“Tôi không biết là ông Powell sẽ phải cứng rắn tới mức nào, xét tới việc lãi suất của Fed rõ ràng đã ở vào trạng thái thắt chặt theo định nghĩa của Fed, chưa kể thị trường cuối cùng cũng đã tin vào dự báo của chính Fed rằng việc cắt giảm lãi suất sẽ không diễn ra trước giữa năm 2024”, ông LaVorgna nhận định.
“Bởi vậy lần này, Fed sẽ không phải tìm cách đẩy lùi một kỳ vọng của thị trường rằng chính sách sắp được nới lỏng. Đó là kỳ vọng của thị trường trong phần lớn thời gian của 12 tháng qua”, mà hiện giờ thị trường đã từ bỏ- vị chuyên gia nói.
Trên thực tế, thị trường dường như cuối cùng đã chấp nhận ý tưởng rằng Fed đã lún sâu vào cuộc chiến chống lạm phát và sẽ không sớm từ bỏ ý tưởng này cho tới khi có những bằng chứng rõ rệt cho thấy những diễn biến tích cực gần đây của giá cả đã trở thành một xu hướng thực sự.
Tuy nhiên, ông Powell sẽ phải trấn an thị trường rằng Fed sẽ vừa không lặp lại những sai lầm trong quá khứ về lạm phát, vừa không quá mạnh tay đến mức đẩy nền kinh tế rơi vào một cuộc suy thoái mà có vẻ đến thời điểm này nước Mỹ đã tránh được.
“Ông Powell sẽ phải đảm bảo rằng Fed sẽ hoàn thành công việc. Đây là vấn đề uy tín của Fed và vấn đề di sản của Chủ tịch Fed. Ông ấy sẽ muốn tỏ cứng rắn hơn một chút so với ngưỡng trung tính. Nhưng ông ấy sẽ không nói giống như những gì mà ông ấy đã nói vào năm ngoái”, chiến lược gia Quincy Krosby của công ty LPL Financial phát biểu.
RỦI RO LẠM PHÁT TĂNG TRỞ LẠI
Nhưng việc đưa ra một thông điệp chung chung như vậy chưa chắc đã là một việc dễ dàng đối với ông Powell. Lạm phát đã giảm về vùng 3-4%, nhưng có một số dấu hiệu cho thấy sự giảm tốc này có thể bị đảo ngược.
Giá năng lượng đã tăng trong mùa hè này, và một số yếu tố giúp kéo con số lạm phát xuống – chẳng hạn việc điều chỉnh thống kê về chi phí bảo hiểm y tế – đang mất dần. Một công cụ theo dõi lạm phát của Fed chi nhánh Cleveland dự báo rằng số liệu lạm phát của tháng 8 sẽ cho thấy sự gia tăng đáng kể. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã tăng mạnh thời gian gần đây, phản ánh kỳ vọng của thị trường rằng lạm phát có thể cao dai dẳng và lãi suất của Fed sẽ giữ ở mức cao trong thời gian lâu hơn.
Ngoài ra, người tiêu dùng Mỹ đang cảm nhận ngày càng rõ ảnh hưởng tiêu cực của lạm phát đến túi tiền của họ. Tổng nợ thẻ tín dụng ở nước này đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 1 nghìn tỷ USD, và Fed chi nhánh San Francisco gần đây khẳng định rằng lượng tiền tiết kiệm dôi dư mà người tiêu dùng tích luỹ được từ tiền trợ cấp của Chính phủ trong đại dịch Covid-19 sẽ cạn trong một vài tháng tới.
Và cho dù tiền lương thực của người lao động đã tăng lên, lạm phát vẫn là một gánh nặng. “Xét cho cùng, nếu lạm phát không được không chế, tiền lương phải tăng đến đâu để người lao động đủ tiền trả nợ thẻ tín dụng, đủ tiền mua thực phẩm, mua năng lượng…? Đó là một thế khó đối với ông Powell. Ông ấy đã bị mắc vào một cái bẫy chính trị”, bà Krosby nhận định.
VẤN ĐỀ LÃI SUẤT TRUNG TÍNH
Kể từ khi ông Powell trở thành Chủ tịch Fed, ngân hàng trung ương này chủ yếu thiên về tăng lãi suất, dù việc cắt giảm lãi suất có thể diễn ra vào năm tới. Chủ tịch Fed chi nhánh Philadelphia, ông Patrick Harker, là một trong những quan chức cho rằng Fed đã tăng lãi suất đủ. Nhưng ông Harker cũng cho rằng Fed cần giữ nguyên lãi suất một thời gian trước khi cắt giảm.
“Trong mùa hè này, tôi đã nghe thấy những tiếng nói lớn và rõ ràng rằng: ‘Lãi suất đã tăng rất nhanh. Chúng tôi cần phải hấp thụ đã. Chúng tôi cần một chút thời gian để nhìn thấu đáo mọi thứ”, ông Harker nói trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC ngày 24/8 từ Jackson Hole. “Tôi nghe thấy điều này cả từ các ngân hàng khu vực và lãnh đạo doanh nghiệp: hãy để chúng tôi hấp thụ mức tăng lãi suất đã có, trước khi các ông làm gì đó thêm”.
Ở thời điểm này, có lẽ Fed đã rất muốn phát tín hiệu rằng họ về cơ bản đã thắng trong cuộc chiến chống lạm phát, nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng việc làm như vậy là thiếu khôn ngoan.
“Sẽ là sai lầm khi giương lá cờ chiến thắng vào lúc này. Ông Powell sẽ chẳng làm như vậy. Nhưng tôi cũng không cho rằng ông ấy cần phải thể hiện một sự cứng rắn tới mức đáng ngạc nhiên”, chiến lược gia trưởng Krishna Guha của công ty Evercore ISI nhận định.
Một số chuyên gia ở Phố Wall cho rằng ông Powell có thể đề cập đến việc lãi suất sẽ như thế nào trong dài hạn, thay vì trong vài tháng tới. Cục thể, Fed sẽ tìm cách định hướng về lãi suất trung tính – mức lãi suất không thắt chặt và cũng không nới lỏng – một vấn đề mà ông Powell đã đề cập trong bài phát biểu đầu tiên của ông ở Jackson Hole vào năm 2018. Tuy nhiên, khả năng ông Powell đề cập đến lãi suất trung tính là không cao.
“Trên thị trường đang có một chút lo ngại rằng biết đâu ông Powell lại tỏ ra cứng rắn. Mối lo này liên quan nhiều hơn đến việc ông ấy có thể nói gì về lãi suất trung tính và việc theo đuổi một mặt bằng lãi suất bình thường mới cao hơn, thay vì việc ông ấy sẽ đưa ra những tín hiệu thế nào về lãi suất trong ngắn hạn. Chẳng có lợi ích gì trong việc ông ấy đưa ra ý tưởng về lãi suất trung tính cao hơn ở thời điểm này. Tôi nghĩ ông ấy sẽ tránh nói sâu về vấn đề này”, bà Guha nhận xét.
Nói chung, ông Powell được cho là sẽ tránh đưa ra một tuyên bố quan trọng về bất kỳ điều gì trong bài phát biểu vào ngày thứ Sáu.
Theo chiến lược gia trưởng Michael Arone của công ty State Street’s US SPDR Business, vào thời điểm mà lẽ ra ông Powell có thể nói đến chiến thắng trong cuộc chiến chống lạm phát, ông ấy ngược lại có thể sẽ tỏ ra trầm ngâm hơn trong đánh giá của mình. “Có thể Fed chưa tin chắc là lạm phát đã được không chế. Bởi vậy, sẽ không có tín hiệu nới lỏng nào ở Jackson Hole. Thay vào đó, nhà đầu tư nên kỳ vọng về một tuyên bố của ông Powell rằng Fed cam kết hơn bao giờ hết với việc chống lạm phát”, ông Arone nói.
https://vneconomy.vn/gioi-chuyen-gia-du-bao-gi-ve-bai-phat-bieu-cua-chu-tich-fed-o-jackson-hole.htm