Các DNNVV cần xây dựng định hướng, kế hoạch kinh doanh dài hạn, chú trọng đến cạnh tranh trong bối cảnh mở cửa thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới.

a.jpg
Bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc VCCI phát biểu tại Hội thảo

Trao đổi tại hội thảo “Đẩy mạnh xuất nhập khẩu- giải pháp nào cho các Doanh nghiệp” do Trung tâm Hỗ trợ DNNVV (VCCI) phối hợp với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) và Hiệp hội DNNVV tỉnh Bắc Ninh tổ chức, bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc VCCI cho biết, từ sau khi Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTTP tình hình xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc Nhật bản và Hàn Quốc… tăng trưởng rất tích cực.

Cụ thể, tính chung 11 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 715,55 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 369,93 tỷ USD tăng 14,9%; nhập khẩu đạt 345,62 tỷ USD, tăng 16,4%.

Trong 11 tháng năm 2024 có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94,1% tổng kim ngạch xuất khẩu, và có 44 mặt hàng nhập khẩu đạt giá trị trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,6% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Đáng chú ý, đối với tỉnh Bắc Ninh, theo công bố của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu đến thời điểm này là đứng thứ 2 toàn quốc sau TP HCM với gần 30 mặt hàng xuất khẩu, trong đó Điện thoại các loại, máy tính bảng và linh kiện điện tử tiếp tục là những mặt hàng chủ lực.

Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên bà Tâm nhận định, trong thời gian tới, hoạt động xuất khẩu nói chung và xuất khẩu sang sang các thị trường trọng điểm như châu Âu, châu Mỹ nói riêng sẽ tiếp tục có cả những thuận lợi và thách thức.

b.jpg
Ông Vũ Minh Tâm, đại diện Cục xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương trao đổi tại Hội thảo

Tương tự, ông Vũ Minh Tâm, đại diện Cục xuất nhập khẩu – Bộ Công thương đã chia sẻ về xu hướng trong thương mại quốc tế hiện nay. Theo đó, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung và dịch Covid-19 khiến nhiều nhà sản xuất nhận ra không nên phụ thuộc vào một điểm sản xuất cố định, dẫn tới làn sóng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Bên cạnh việc các nhà sản xuất nước ngoài rời Trung Quốc, mà ngay cả các nhà sản xuất Trung Quốc cũng đang tích cực tìm kiếm và thiết lập các cơ sở sản xuất ở nước ngoài nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng, phân tán rủi ro.

Nhận định về triển vọng năm 2025, ông Tâm dự báo, thị trường thế giới có dấu hiệu ổn định, lạm phát tại các thị trường giảm tại các thị trường lớn, nhu cầu và sức mua phục hồi; tình hình sản xuất trong nước ổn định, nguồn hàng dồi dào, phong phú; thu hút FDI đạt kết quả tốt.

Đặc biệt, các hiệp định thương mại tự do (FTA) phát huy tác dụng, giúp gia tăng kim ngạch ở các thị trường có FTA, các FTA mới đi vào thực hiện… “Do đó dự báo xuất nhập khẩu sẽ duy trì đà tăng trưởng tốt từ nay tới Quý I/2025, tăng trưởng đều ở các nhóm hàng và thị trường”, ông Tâm cho biết thêm.

Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, để tận dụng các cơ hội đẩy mạnh xuất nhập khẩu và hạn chế các thách thức, đại diện Bộ Công thương cho rằng, các doanh nghiệp cần xây dựng định hướng, kế hoạch kinh doanh dài hạn, chú trọng đến cạnh tranh trong bối cảnh mở cửa thị trường; Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tận dụng các hỗ trợ của Nhà nước.

Bên cạnh đó, chủ động tìm hiểu, tận dụng các FTA để mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu; Đầu tư nâng cao nhân lực, ứng dụng công nghệ số để nhanh chóng nâng cao năng lực cạnh tranh, tính chuyên nghiệp, tiến ra thị trường quốc tế. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần chủ động phương án dự phòng, khắc phục những sự cố, rủi ro, biến động trên thị trường; cảnh giác với các hành vi gian lận, lừa đảo trong thương mại quốc tế…

c.jpg
Bà Trần Minh Thu, đại diện Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc VCCI

Đồng thời, để tận dụng các cơ hội xuất khẩu từ EVFTA và CPTPP cho doanh nghiệp, bà Trần Minh Thu, đại diện Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc VCCI, đã chia sẻ về các cơ hội ưu đãi thuế quan, giảm hàng rào phi thuế, cũng như lưu ý với các doanh nghiệp về những thách thức từ các Hiệp định như: thách thức từ bối cảnh bên ngoài như: đáp ứng quy tắc xuất xứ, gia tăng chi phí tuân thủ các cam kết FTA về sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường, phát triển bền vững, nguy cơ gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại mà các doanh nghiệp cần lưu tâm.

d.jpg
Đại diện Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam(VietinBank) phát biểu tại Hội thảo

Về góc độ hỗ trợ cụ thể cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đại diện Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam(VietinBank) bà Nguyễn Thị Minh Ngọc và ông Nguyễn Hải Khánh cho biết, VietinBank đã ban hành nhiều chương trình, gói lãi suất hỗ trợ các doanh nghiệp trên cả nước. Trong đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng được nhận các ưu đãi.

Ngoài ra, thạc sỹ Nguyễn Huy Hoàng, chuyên gia Marketing về XNK cũng cung cấp thêm thông tin về xu hướng marketing bền vững. Ông Thắng cho rằng, marketing bền vững góp phần tạo ra cho cộng đồng những giá trị tích cực đồng thời giúp doanh nghiệp phát triển ngày càng vững mạnh trên thị trường.

“Các doanh nghiệp cũng cần được hỗ trợ để hiểu rõ các biện pháp xuất khẩu bền vững trong thời đại công nghệ số như các giải pháp xây dựng chiến lược thương hiệu, cách thức ứng dụng công nghệ số trong marketing…”, ông Thắng nói.

https://vcci.com.vn/tin-tuc/ho-tro-dnnvv-day-manh-xuat-khau-trong-boi-canh-moi