Với xu hướng giảm mạnh gần đây của Yên, thị trường tài chính đang đồn đoán về mức tỷ giá mà nhà chức trách ở Tokyo có thể triển khai hành động can thiệp…
Phiên giao dịch ngày 22/8, tỷ giá đồng Yên Nhật Bản so với đồng USD đã hồi phục từ mức đáy của 9 tháng, khi tỷ giá đồng bạc xanh so với một rổ tiền tệ rút khỏi đỉnh của 10 tuần trong lúc thị trường hồi hộp chờ đợi một bài phát biểu quan trọng của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell.
Với xu hướng giảm mạnh gần đây của Yên, thị trường tài chính đang đồn đoán về mức tỷ giá mà nhà chức trách ở Tokyo có thể triển khai hành động can thiệp.
Có thời điểm, tỷ giá USD so với Yên giảm 0,22%, còn 145,935 Yên đổi 1 USD. Trước đó, vào hôm thứ năm tuần trước, đồng Yên trượt giá về mức 146,565 Yên đổi 1 USD – mức thấp nhất của Yên kể từ hôm 10/11/2022. Mốc tỷ giá này đã một lần nữa làm dấy lên đồn đoán về một động thái can thiệp của nhà chức trách Nhật Bản, bởi mốc 146 Yên/USD chính là ngưỡng mà Tokyo đã triển khai việc bơm ngoại tệ để hút bớt Yên khỏi thị trường tài chính lần đầu tiên sau nhiều năm vào tháng 9 năm ngoái.
XU HƯỚNG TĂNG CỦA USD VẪN ĐANG MẠNH
Phiên hồi giá ngày 22/8 của đồng Yên diễn ra sau khi Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Kazuo Ueda có cuộc gặp với Thủ tướng Kishida Fumio. Dù vậy, sau cuộc gặp, ông Ueda cho biết ông và ông Fumio không thảo luận về biến động tỷ giá trong cuộc gặp này.
Đồng Yên cũng hồi giá khi đồng USD giảm trở lại sau khi lập đỉnh 10 tuần. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác có thời điểm giảm 0,14%, còn dưới 103,2 điểm. Tuy nhiên, mức này cách không xa mức 103,68 điểm – cao nhất kể từ hôm 12/6 – thiết lập vào hôm thứ Sáu tuần trước.
Nhiều nhà phân tích cho rằng sự giảm giá này của USD chỉ là tạm thời bởi đồng bạc xanh vẫn đang được hỗ trợ bởi kỳ vọng của thị trường về việc Fed có thể giữ lãi suất cao hơn lâu hơn. Kỳ vọng đó được phản ánh qua xu hướng tăng mạnh liên tục gần đây của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm phiên này có lúc đạt 4,366%, cao nhất kể từ tháng 11/2007.
Thị trường tiền tệ hiện đang đặt cược khả năng gần 50% Fed tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm trong thời gian còn lại của năm nay, trước khi ngân hàng trung ương này chuyển sang cắt giảm lãi suất vào năm tới.
Tuần này, tâm điểm chú ý của nhà đầu tư ở Phố Wall là bài phát biểu vào buổi sáng ngày thứ Sáu theo giờ Mỹ của ông Powell tại hội nghị thường niên của Fed ở Jackson Hole, Wyoming. Bài phát biểu này được kỳ vọng sẽ mang đến những tín hiệu rõ ràng hơn về chủ trương lãi suất của Fed trong thời gian tới.
“Nếu ông Powell tiếp tục để ngỏ cánh cửa cho việc tăng lãi suất, xu hướng tăng của đồng USD sẽ tiếp tục”, với chỉ số Dollar Index có thể vượt mốc 104 điểm – theo chiến lược gia Richard Franulovich của Westpac trong một cuộc trao đổi với hãng tin Reuters.
MỐC TỶ GIÁ NÀO SẼ KHIẾN NHẬT BẢN CAN THIỆP?
Nhận định về mức tỷ giá có thể khiến cơ quan chức năng Nhật Bản có hành động can thiệp, một cựu quan chức BOJ nhận định đó là mốc hơn 150 Yên đổi 1 USD.
“Nhà chức trách không có một giới hạn cụ thể nào. Nhưng các ngưỡng chính như 150 Yên/USD giữ vai trò quan trọng vì lý do chính trị”, ông Atsushi Takeuchi – người từng giữ vị trí đứng đầu vụ ngoại hối của BOJ ở thời điểm Nhật Bản can thiệp vào thị trường ngoại hối hồi năm 2010-2012 – nói với Reuters.
Cũng theo ông Takeuchi, tâm trạng của công chúng là một yếu tố chủ chốt quyết định thời điểm can thiệp do doanh nghiệp và hộ gia đình ở Nhật Bản đang rất quan tâm đến biến động tỷ giá. Tuy nhiên, mối lo về sự mất giá của đồng Yên ở thời điểm này có vẻ ít hơn so với cách đây 1 năm, vì các hộ gia đình đã quen với sự gia tăng của giá cả.
Ông nói thêm rằng những lợi ích của đồng Yên yếu cũng đang trở nên rõ ràng hơn do việc Nhật Bản mở cửa trở lại sau Covid, dẫn tới sự phục hồi của du lịch và ngành dịch vụ trong nước. “Lúc nào cần can thiệp vào thị trường ngoại hối luôn là một quyết định có tính chất chính trị rất cao ở Nhật Bản. Giờ đây, Thủ tướng là người đưa ra quyết định cuối cùng”, ông Takeuchi nói.
“Mối bất mãn của công chúng về đồng Yên yếu hiện nay chưa tới mức như năm ngoái. Tôi không cho là ông Kishida đang chịu áp lực lớn phải phản ứng”, vị cựu quan chức nhận định. Nhưng ông cho rằng nhà chức trách hoàn toàn có thể can thiệp nếu đà mất giá của Yên bị đẩy nhanh và mốc 150 Yên/USD bị phá vỡ.
Trước khi can thiệp, nhà chức trách có thể đưa ra các cảnh báo và tiến hành các cuộc rà soát tỷ giá để kéo dài thời gian, với hy vọng thị trường có thể tự điều chỉnh – theo ông Takeuchi. “Ngay cả khi chưa phải can thiệp, các nhà hoạch định chính sách cũng không muốn bị nhìn nhận là thờ ơ với biến động trên thị trường”, ông nói.
Theo luật của Nhật Bản, Chính phủ nắm quyền quyết định về chính sách tiền tệ. BOJ giữ vai trò như một đại diện của Bộ Tài chính Nhật – cơ quan quyết định thời điểm can thiệp vào thị trường ngoại hối.
Cùng quan điểm với ông Takeuchi, các nhà phân tích của ngân hàng JPMorgan Chase cho rằng Nhật Bản sẽ chỉ can thiệp ở mức tỷ giá khoảng 150 Yên đổi 1 USD. “Chúng tôi cho rằng Bộ Tài chính Nhật sẽ không can thiệp vào thị trường ngoại hối ở mức 145 Yên/USD, mà ngưỡng để họ can thiệp phải là khoảng 150 Yên/USD”, báo cáo của JPMorgan Chase có đoạn viết.
https://vneconomy.vn/moc-ty-gia-nao-co-the-khien-nhat-ban-can-thiep-de-bao-ve-dong-yen.htm