Làm việc với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, ông Virginijus Sinkevičius, Cao ủy Môi trường, đại dương và nghề cá của Ủy ban châu Âu (EC), cho biết sở dĩ cơ quan này khắt khe với Việt Nam hơn các quốc gia khác trong việc gỡ “thẻ vàng”, vì “mong muốn Việt Nam phát triển ngành thủy sản bền vững và là một hình mẫu của thế giới”…
Đến nay đã có 25 quốc gia, vùng lãnh thổ từng bị EU áp dụng biện pháp phạt thẻ; trong đó có 6 quốc gia đã phải nhận “thẻ đỏ”. Tại khu vực Đông Nam Á, Campuchia là nước đầu tiên phải nhận “thẻ vàng” của EC từ tháng 11/2012. Sau đó do không thực hiện được các yêu cầu của EC, Campuchia đã phải nhận “thẻ đỏ” từ EC từ tháng 3/2014. Đến nay, Campuchia vẫn chưa được EC gỡ “thẻ đỏ”. Philippines bị EC phạt “thẻ vàng” vào tháng 6/2014, nhưng chỉ 9 tháng sau đó, đến tháng 3/2015, EC đã gỡ “thẻ vàng” cho Philippines. Thái Lan phải nhận “thẻ vàng” từ EC vào tháng 4/2015, và đến 4/2018, EC đã gỡ “thẻ vàng “ cho Thái Lan.
Ngày 18/9/2023, tại Brussel (Bỉ), Bộ trưởng Lê Minh Hoan có phiên làm việc với Cao ủy Môi trường, đại dương và nghề cá ông Virginijus Sinkevičius và Tổng vụ các vấn đề về biển và thủy sản của Liên minh châu Âu (EU). Đây là hoạt động trong nỗ lực vận động EU tháo gỡ “thẻ vàng” hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) trước khi Đoàn thanh tra của EU đến Việt Nam tiến hành đợt thanh tra lần thứ 4, dự kiến vào tháng 10/2023.
VIỆT NAM ĐÃ NỖ LỰC CAO NHẤT
Trao đổi với ông Virginijus Sinkevičius, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định quyết tâm chính trị của Việt Nam với nỗ lực cao nhất để giải quyết tốt nhất các nội dung kiến nghị của EU đối với việc đẩy lùi và chấm dứt khai thác IUU, hướng tới một nghề cá phát triển bền vững tại Việt Nam.
“Xác định chống khai thác IUU là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành, không chỉ để xuất khẩu sang EU mà còn giúp phát triển ngành nuôi trồng và khai thác hải sản bền vững, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam, giữ uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời, xác định vấn đề thẻ vàng là cơ hội cho ngành khai thác thủy sản chuyển đổi từ nghề cá truyền thống, quy mô nhỏ, nhiệt đới, đa nghề, đa loài sang quản lý một nghề cá có trách nhiệm, phát triển bền vững”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Giữ tinh thần quyết liệt loại bỏ IUU
Để thực hiện những khuyến nghị của Tổng vụ các vấn đề về biển và thủy sản của EU, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết đến thời điểm này, Việt Nam đã đạt được sáu kết quả nổi bật.
Một, đạt được sự thống nhất nhận thức cao và hành động quyết liệt trong tất cả các cấp, các ngành, cộng đồng ngư dân, doanh nghiệp và đạt sự đồng thuận của toàn xã hội đối với thực hiện các quy định của pháp luật, các quy định và khuyến nghị của EU để phòng, chống các hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Hai, đã xây dựng được khung pháp lý toàn diện đầy đủ về quản lý nghề cá và chống khai thác IUU. Đặc biệt, gần đây Quốc hội và Chính phủ đã tiếp tục siết chặt chế tài xử lý vi phạm IUU, xuyên suốt từ cấp Trung ương đến địa phương.
Ba, công tác quản lý tàu cá đã chuyển biến một cách rõ rệt: đã xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về tàu cá (đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản) kết nối từ Trung ương đến địa phương, liên thông với các lực lượng thực thi pháp luật (kiểm ngư, biên phòng, cảnh sát biển) và các cơ quan quản lý cảng để kiểm soát hoạt động của tàu cá. Trên 98% tàu cá hoạt động vùng khơi (có chiều dài từ 15m trở lên) đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Bốn, công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản đã được thực hiện và kiểm soát theo chuỗi từ khâu kiểm soát sản lượng qua cảng đến cấp chứng thư xuất khẩu và kiểm soát nguyên liệu tại các nhà máy chế biến.
Năm, công tác thực thi pháp luật, xử phạt vi phạm hành chính đã được triển khai tích cực tại nhiều địa phương và các lực lượng thực thi pháp luật trên biển. Các tàu vi phạm vùng biển nước ngoài từ năm 2015 đến nay đã giảm rõ rệt. Đến nay, tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý đã giảm 84,35% so với năm 2016; trong đó đã ngăn chặn, chấm dứt tàu cá vi phạm các nước, quốc đảo Thái Bình Dương từ năm 2018 đến nay.
Sáu, Việt Nam đang tích cực triển khai các chương trình, đề án chuyển đổi ngành khai thác hải sản bền vững, nhằm tạo nền tảng cơ sở quản lý đội tàu theo hướng phù hợp với hiện trạng nguồn lợi đang được xây dựng, chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị EC hỗ trợ Việt Nam công tác điều tra nguồn lợi thủy sản trong vùng biển Việt Nam; triển khai các chương trình chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái, chuyển đổi sinh kế cho cộng đồng ngư dân ven biển. Bên cạnh đó, hỗ trợ Việt Nam tham gia các chương trình phát triển kinh tế xanh, quản lý rác thải nhựa trên biển.
VIỆT NAM SẼ TRỞ THÀNH HÌNH MẪU PHÁT TRIỂN THỦY SẢN
Các đối tác của EC đánh giá, chuyến thăm của Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã khẳng định rõ quyết tâm, ý chí chính trị của Việt Nam và là cơ hội để trao đổi trực tiếp để hai bên hiểu rõ hơn về các khó khăn trong quá trình thực thi chống khai thác IUU. Phía EC cũng tin tưởng và đánh giá cao quyết tâm của Việt Nam khi triển khai “kế hoạch 180 ngày cao điểm chống khai thác IUU”; trong việc xây dựng Luật Thủy sản và nghị định thi hành.
Ông Virginijus Sinkevičius khẳng định: Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng của EU tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã thực thi hơn 2 năm là động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ kinh tế – thương mại giữa hai bên. Việt Nam là quốc gia tiên phong trong việc cam kết hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững, đặc biệt Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng tại Việt Nam về 0 vào năm 2050. Trong lĩnh vực lâm nghiệp, Việt Nam là một trong 3 quốc gia tại châu Á tiên phong trong việc đàm phán và ký kết Hiệp định VPA/FLEGT với EU.
Cao ủy Môi trường, đại dương và nghề cá của EU thông báo sẽ có chuyến thăm Việt Nam vào đầu năm 2024, báo hiệu một mùa xuân mới trong hợp tác Việt Nam – EU cho phát triển bền vững.
“Đối với lĩnh vực thủy sản, EC mong muốn Việt Nam phát triển ngành thủy sản bền vững là một hình mẫu của thế giới. Chính vì vậy, EC khắt khe với Việt Nam hơn so với các quốc gia khác trong việc gỡ “thẻ vàng”, ông Virginijus Sinkevičius nhấn mạnh; đồng thời, ông cho rằng hiện tại khung pháp lý về quản lý nghề cá và chống khai thác IUU mà Việt Nam đã xây dựng hoàn toàn đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế.
Tuy nhiên, việc thực thi còn một số tồn tại như vẫn còn tình trạng tàu cá vi phạm khai thác IUU tại các vùng biển nước ngoài mặc dù đã giảm so với trước đây; việc thực thi pháp luật chưa đồng bộ giữa các địa phương. Tất cả các trường hợp vi phạm cần được xử lý mà không có ngoại lệ.
Là một quốc gia ven biển có số lượng tàu đánh bắt xa bờ lớn, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong sản xuất và xuất khẩu thủy sản trên toàn thế giới, chiếm khoảng 5% sản lượng thủy sản toàn cầu. Trữ lượng hải sản của Việt Nam có khoảng 3,9 triệu tấn, nhưng đang khai thác 3,8 triệu tấn mỗi năm, dẫn đến nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi hải sản.
“Với cường độ khai thác đó, tài nguyên thủy sản sẽ suy giảm. Việc EC áp “thẻ vàng” IUU cũng có thể góp phần thúc đẩy Việt Nam giảm khai thác tài nguyên và bảo đảm công bằng cho những ngư dân không vi phạm”, ông Virginijus Sinkevičius nhấn mạnh.
Cao ủy Môi trường, đại dương và nghề cá của EC khẳng định, EU sẽ đồng hành cùng Việt Nam trong phát triển thủy sản bền vững. EU sẽ ban hành hướng dẫn về phát triển thủy sản bền vững theo đúng chiến lược của EU về phát triển bền vững như thỏa thuận xanh, kinh tế tuần hoàn… Trong đó, EU mong muốn hỗ trợ Việt Nam trở thành một hình mẫu của thế giới trong việc phát triển bền vững ngành thủy sản và chống khai thác IUU. EU cũng sẽ thúc đẩy hợp tác với Việt Nam về chống rác thải nhựa đại dương, thiết lập cơ chế hợp tác về bảo vệ, phát triển rừng…
https://vneconomy.vn/nganh-thuy-san-viet-nam-mong-muon-phat-trien-ben-vung.htm