Trong cuộc đua phát triển trí tuệ nhân tạo toàn cầu, một cái tên đã khiến cộng đồng công nghệ thế giới phải ngạc nhiên. DeepSeek, startup Trung Quốc với mô hình AI hiệu suất cao nhưng chi phí thấp, đang thách thức những định kiến về công nghệ “made in China”.

Ông Liang Wenfeng, nhà sáng lập DeepSeek

Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với trang công nghệ 36Kr vào tháng 7/2024, nhà sáng lập Liang Wenfeng đã chia sẻ về tầm nhìn táo bạo nhằm tái định vị vị thế công nghệ của Trung Quốc trên bản đồ toàn cầu.

Tháng 5/2024, sự xuất hiện của DeepSeek-V2 đã khiến giới công nghệ Thung lũng Silicon phải bất ngờ. Không phải vì đây là một đột phá công nghệ, mà bởi xuất xứ của nó.

“Ở Thung lũng Silicon, đổi mới xuất hiện hàng ngày. Họ ngạc nhiên không phải vì công nghệ của chúng tôi, mà bởi vì một công ty Trung Quốc đã phát triển được nó”, Liang chia sẻ về phản ứng của giới công nghệ Mỹ sau khi DeepSeek-V2 ra mắt vào tháng 5/2024.”Các công ty Trung Quốc từng chỉ đi theo họ, nhưng lần này chúng tôi bước vào với tư cách người đổi mới”.

Trái ngược với các đối thủ như OpenAI, DeepSeek chọn cách tiếp cận mở khi công khai mã nguồn các đổi mới của mình. “Với công nghệ mang tính cách mạng, lợi thế cạnh tranh không thể chỉ dựa vào việc giữ bí mật”, Liang lý giải. Thay vào đó, công ty tập trung xây dựng sức mạnh thông qua tích lũy kinh nghiệm và phát triển văn hóa doanh nghiệp thúc đẩy đổi mới.

DeepSeek cũng đi ngược với xu hướng chung của các công ty AI Trung Quốc khi ưu tiên nghiên cứu cơ bản thay vì thương mại hóa nhanh chóng. “Điều quan trọng nhất là bắt kịp làn sóng đổi mới toàn cầu”, Liang nhấn mạnh. Ông chỉ ra rằng mô hình phát triển truyền thống – áp dụng công nghệ có sẵn để tạo lợi nhuận nhanh chóng – không phải là con đường duy nhất. Đổi mới, theo ông, nên xuất phát từ sự tò mò và khát khao sáng tạo hơn là áp lực kinh doanh.

Về chiến lược phát triển dài hạn, Liang tin rằng ngành công nghiệp AI Trung Quốc cần xây dựng một hệ sinh thái toàn diện, học hỏi từ thành công của Nvidia trong lĩnh vực bán dẫn tại Mỹ. Ông chỉ ra những hạn chế trong phát triển chip nội địa tại Trung Quốc, chủ yếu do thiếu sự hỗ trợ từ cộng đồng công nghệ và khó tiếp cận thông tin mới nhất.

Hiện nay, thách thức lớn nhất của DeepSeek không phải là vốn mà là những hạn chế về công nghệ, đặc biệt là lệnh cấm chip cao cấp từ Mỹ. Tuy nhiên, công ty vẫn duy trì niềm tin vào tương lai với đội ngũ nhân sự trẻ được tuyển chọn từ các trường đại học hàng đầu Trung Quốc. “Chúng tôi không cần những thiên tài”, Liang khẳng định, “Điều chúng tôi cần là những người trẻ có đam mê và khát khao đổi mới”.

“Trung Quốc cần ngừng dựa vào thành tựu của người khác”, Liang nhận định. “Trong 30 năm phát triển công nghệ thông tin vừa qua, chúng tôi đã chọn kiếm tiền thay vì đổi mới. Giờ đây, phù hợp với tăng trưởng kinh tế của mình, Trung Quốc cần chuyển sang vai trò đóng góp cho đổi mới toàn cầu”. Với tầm nhìn và định hướng rõ ràng, DeepSeek đang từng bước chứng minh rằng Trung Quốc không chỉ có thể bắt kịp mà còn có thể dẫn đầu trong cuộc cách mạng AI toàn cầu.

https://vietstock.vn/2025/02/nha-sang-lap-deepseek-ai-trung-quoc-se-ngung-theo-sau-my-4264-1267749.htm