Từ nay đến cuối năm, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá đặc biệt lưu ý điều hành giá xăng dầu và lương thực. Với các loại hàng hóa do Nhà nước quản lý, cần xem xét thời điểm, mức độ điều chỉnh phù hợp…

Bộ Tài chính dự báo CPI bình quân năm 2023 tăng trong khoảng 3,2 - 3,6%.
Bộ Tài chính dự báo CPI bình quân năm 2023 tăng trong khoảng 3,2 – 3,6%.

Ngày 11/10, Ban Chỉ đạo điều hành giá họp bàn phương án điều hành giá cuối năm. Theo đại diện các bộ, ngành, mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm ở mức 4,5% là có thể đạt được, thậm chí có thể ở mức thấp hơn. Tuy nhiên, những tháng còn lại của năm vẫn cần các giải pháp điều hành đồng bộ và hiệu quả, đảm bảo nguồn cung thị trường.

ĐIỀU HÀNH CPI 9 THÁNG KHÔNG NHIỀU ÁP LỰC

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, trong 9 tháng năm 2023, giá cả thị trường trong nước cơ bản ổn định, lạm phát đang được kiểm soát và theo xu hướng giảm dần. Năm nay, thời tiết ổn định, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp nên nguồn cung lương thực, thực phẩm, rau, quả dồi dào, giá cả không có biến động lớn.

Riêng mặt hàng thóc gạo giá tăng do cung và nhu cầu từng giai đoạn; giá một số mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng như xăng dầu, khí hóa lỏng có diễn biến tăng, giảm đan xen do tác động của giá thế giới.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 9/2023 tăng 1,08% so với tháng trước và tăng 3,66% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 9 tháng năm 2023, CPI tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,49%.

Đạt được kết quả trên do Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương kịp thời triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp về quản lý, điều hành để bình ổn giá, hạn chế những biến động của mặt bằng giá gây tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế – xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.

Nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô được triển khai đồng bộ. Theo đó, thị trường các mặt hàng thiết yếu không có biến động bất thường, nguồn cung được bảo đảm, giá cả hàng hóa cơ bản ổn định, diễn biến theo đúng với kịch bản điều hành giá của Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng không nên chủ quan vì từ nay đến cuối năm vẫn còn một số yếu tố tác động lên mặt bằng giá.

Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, đánh giá tác động cụ thể trước mỗi quyết định điều chỉnh để không ảnh hưởng tới mục tiêu điều hành CPI trong năm 2023.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cũng cho rằng, CPI bình quân 9 tháng tương đối “dễ thở”, mục tiêu kiểm soát lạm phát sẽ cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, tốc độ giảm của CPI nhanh hơn lạm phát lõi (không tính giá năng lượng và lương thực). Việc điều chỉnh các mặt hàng do Nhà nước định giá, cần tính toán thời điểm, tránh tác động lên chỉ số giá tiêu dùng.

CÒN DƯ ĐỊA NHƯNG KHÔNG CHỦ QUAN

Trên cơ sở mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm ở mức 4,5%, Bộ Tài chính cập nhật hai kịch bản lạm phát.

Kịch bản 1, dự báo CPI bình quân năm 2023 tăng khoảng 3,2% so với năm 2022.

Kịch bản 2 ở mức cao hơn, dự báo CPI bình quân năm 2023 tăng khoảng 3,6% so với năm 2022.

Với các kịch bản trên, Bộ Tài chính dự báo CPI bình quân năm 2023 tăng trong khoảng 3,2 – 3,6%. Còn Tổng cục thống kê dự báo CPI bình quân trong khoảng 3,3 – 3,6%. Ngân hàng nhà nước Việt Nam cũng dự báo lạm phát bình quân năm 2023 tăng trong khoảng ở mức 3,4% (cộng trừ 0,3%).

Nói thêm về điều hành giá cuối năm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, cho rằng từ nay đến cuối năm còn 2,5 tháng, nếu không có gì quá đột biến thì có thể hoàn thành mục tiêu lạm phát 4,5%, thậm chí thấp hơn dưới 4%.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Công Thương cũng bày tỏ lo ngại về tình hình giá xăng dầu đang có xu hướng tăng từ tháng 9 đến nay khi bình quân tháng 9/2023, các mặt hàng dầu thô đã tăng khoảng 6%, thậm chí giá xăng dầu thành phẩm nhập khẩu đã tăng từ 11-20% so với tháng 8. Điều đáng lo ngại hơn là giá dầu đang tăng liên tục khi cuộc xung đột giữa Hamas với Israel đang diễn ra. Do đó, việc điều hành phải có tính toán và sử dụng linh hoạt công cụ bình ổn giá xăng dầu.

Đối với thị trường vật liệu xây dựng, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, các biến động trên thị trường quốc tế rất khó lường, các xu thế tăng giá vẫn ở mức cao. Trong đó, thị trường vật liệu xây dựng tại các công trình đầu tư công đang bị thiếu nguồn cung, dẫn đến giá cả tăng nên Bộ Xây dựng đang phối hợp cùng Bộ Giao thông vận tải và các địa phương triển khai giải pháp kiểm soát giá vật liệu xây dựng.

Phó Thủ tướng lưu ý dự trữ xăng dầu của một số nước lớn sụt giảm có thể làm giá xăng dầu thế giới đảo chiều, tăng giá vào những tháng cuối năm.
Phó Thủ tướng lưu ý dự trữ xăng dầu của một số nước lớn sụt giảm có thể làm giá xăng dầu thế giới đảo chiều, tăng giá vào những tháng cuối năm.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng chỉ số CPI tăng 3,16% trong 9 tháng qua là thành công trong điều hành. Từ nay đến cuối năm, ông đề nghị các bộ, ngành phải kiên định điều hành lạm phát theo đúng mục tiêu đề ra.

Đặc biệt, đối với công tác điều hành giá trong thời gian còn lại của năm 2023, Phó Thủ tướng đề nghị lưu ý đến giá xăng dầu và giá mặt hàng lương thực.

Theo Phó Thủ tướng, hiện có một số yếu tố như Nga và Saudi Arbia cắt giảm nguồn cung, dự trữ xăng dầu của một số nước lớn sụt giảm có thể làm giá xăng dầu thế giới đảo chiều, tăng giá vào những tháng cuối năm.

Bên cạnh đó là vấn đề biến động giá mặt hàng lương thực, lúa gạo, để vừa xuất khẩu, vừa bảo đảm an ninh lương thực. Do đó, cần phải tiếp tục theo dõi sát tình hình thế giới, đánh giá các tác động để chủ động có giải pháp kịp thời, phù hợp.

Đối với thu ngân sách, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính theo dõi sát tình hình để có giải pháp chỉ đạo ngành thuế, triển khai các giải pháp hoàn thành nhiệm vụ đã nêu trong báo cáo trình trung ương, đạt được dự toán đã đề ra. Đồng thời, chuẩn bị giải pháp để xử lý đối với những địa phương bị hụt thu ngân sách.

Về chính sách tiền tệ, Phó Thủ tướng lưu ý Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát tình hình, giữ tỷ giá ổn định, giữ giá trị đồng tiền ở mức hợp lý, không để tác động nhiều đến kinh tế vĩ mô.

Đối với các mặt hàng quan trọng thiết yếu khác, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động thực hiện quản lý nhà nước các mặt hàng theo thẩm quyền, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều hành phù hợp.

“Dự báo từ nay tới cuối năm vẫn còn dư địa điều hành giá, tuy nhiên, cần tiếp tục theo dõi sát tình hình, chủ động điều hành, giữ được chỉ số lạm phát thấp hơn mục tiêu”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.

THẬN TRỌNG ĐIỀU CHỈNH GIÁ ĐIỆN, GIÁ Y TẾ

Cơ bản thống nhất vẫn còn dư địa để điều hành giá trong năm 2023, tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, cho rằng việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý có khả năng tác động đến CPI năm 2023, điều này còn phụ thuộc vào thời điểm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh giá các mặt hàng của các bộ, ngành

“Trường hợp điều chỉnh vào tháng cuối năm thì tác động đến CPI bình quân năm 2023 dự kiến không quá lớn nhưng sẽ tác động trễ sang năm 2024”, lãnh đạo Bộ Tài chính đánh giá.

Do đó, các bộ, ngành cần có kịch bản truyền thông khi dự kiến lộ trình điều chỉnh giá những mặt hàng do bộ, ngành mình quản lý, vì sự điều chỉnh nào cũng tác động lớn tới tâm lý của người tiêu dùng.

Về vấn đề này, trong điều kiện vẫn còn dư địa kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra ở mức 4,5%, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động rà soát các phương án điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường, đánh giá kỹ tác động đối với bằng giá, mục tiêu kiểm soát lạm phát để có phương án điều chỉnh giá theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định theo lộ trình, thời điểm, mức độ điều chỉnh phù hợp.

Cụ thể, về giá điện, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam trình phương án điều chỉnh giá trước ngày 25/10/2023 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trình tự, thủ tục quy định.

Đối với Bộ Y tế, căn cứ vào thẩm quyền và sự cần thiết, Phó Thủ tướng đề nghị trình Chính phủ cho ý kiến đối với phương án điều chỉnh giá dịch vụ y tế trong tháng 10/2023; cân nhắc ban hành Thông tư về giá dịch vụ y tế theo trình tự rút gọn.

https://vneconomy.vn/nhieu-du-bao-cpi-nam-2023-duoi-4-canh-giac-tang-gia-hai-mat-hang-thiet-yeu.htm