Vào ngày 8/5, Bộ Thương mại Mỹ tiến hành đánh giá về việc có đưa Việt Nam lên địa vị “nền kinh tế thị trường” hay không – Reuters đưa tin…

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ – Ảnh: Bloomberg.

Theo hãng tin này, nỗ lực của Tổng thống Joe Biden nhằm tăng cường quan hệ Mỹ-Việt có thể xung đột với mong muốn của ông về giành lá phiếu từ cử tri công nhân Mỹ trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm nay.

Nâng cấp Việt Nam lên địa vị “nền kinh tế thị trường” là một ý tưởng vấp phải sự phản đối của các nhà sản xuất thép Mỹ và các chủ trang trại tôm ở vùng Bờ Vịnh của nước này, nhưng lại nhận được sự ủng hộ của các nhà bán lẻ và các doanh nghiệp khác của Mỹ. Một khi Việt Nam được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường, hàng hoá Việt Nam sẽ được Mỹ giảm các loại thuế chống bán phá giá.

“Việt Nam hiện đã là một nền kinh tế thị trường rồi”, ông Ted Osius, người đứng đầu Hội đồng Kinh doanh Mỹ – ASEAN, phát biểu. Tổ chức này ủng hộ việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

“Việt Nam đã đáp ứng được các tiêu chuẩn như khả năng chuyển đổi của đồng tiền và đã sẵn sàng để được công nhận chính xác”, ông Osius nói.

Theo Reuters, Bộ Thương mại Mỹ sẽ nghe lập luận từ cả hai phía trong một cuộc điều trần tiến hành online vào buổi chiều ngày thứ Tư theo giờ Washington. Quy trình rà soát dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối tháng 7.

Trong chuyến thăm Việt Nam vào năm ngoái của ông Biden, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện. Cũng vào năm ngoái, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

Một sự công nhận như vậy của Mỹ đối với Việt Nam là phù hợp với việc Việt Nam đã trở thành một điểm đến để doanh nghiệp Mỹ đa dạng chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc – chiến lược thường được gọi là “friend-shoring”, tức dịch chuyển sản xuất sang các nền kinh tế có quan hệ chính trị tốt đẹp.

Hiện tại, Mỹ xem Việt Nam, Trung Quốc, Nga, Belarus, Azerbaijan và 9 quốc gia khác là những nền kinh tế phi thị trường, do đó là đối tượng của thuế chống bán phá giá ở mức cao.

“Doanh nghiệp Mỹ đang đầu tư nhiều vào Việt Nam vì nhận thấy tiềm năng tăng trưởng”, ông Osius, người từng giữ cương vị đại sứ Mỹ tại Việt Nam, nhấn mạnh.

Bộ Thương mại Mỹ có một bộ tiêu chí khá hẹp để xác định một nền kinh tế có phải là nền kinh tế thị trường hay không. Bộ tiêu chí này bao gồm mức độ chuyển đổi tiền tệ của quốc gia đó; mức lương là kết quả của sự thương lượng tự do giữa người lao động và chủ sử dụng lao động; và việc cấp phép cho liên doanh hoặc các dự án đầu tư nước ngoài khác.

Các tiêu chí khác bao gồm: Liệu chính phủ có sở hữu hay kiểm soát các phương tiện sản xuất và có kiểm soát việc phân bổ nguồn lực, cũng như các quyết định về giá cả và sản lượng, hay không. Ngoài ra, Bộ Thương mại Mỹ cũng có thể xem xét các yếu tố khác để đánh giá.

Hàng hóa từ các nền kinh tế phi thị trường phải chịu mức thuế suất cao hơn trong các cuộc điều tra thuế chống bán phá giá. Các cuộc điều tra này của Mỹ sử dụng giá của nước thứ ba để xác định giá trị thị trường hợp lý của sản phẩm.

Năm nay, Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ đã gia hạn thuế chống bán phá giá 25,76% đối với tôm nuôi đông lạnh từ Việt Nam, nhưng thuế đối với tôm từ Thái Lan – một nền kinh tế thị trường – chỉ ở mức 5,34%.

Liên minh Tôm miền Nam của các ngư dân và nhà chế biến tôm Mỹ cho biết họ phản đối việc công nhận Việt Nam là kinh tế thị trường, với các lý do được đưa ra là rào cản của Việt Nam về quyền sở hữu đất đai, luật lao động yếu kém và việc đánh thuế tôm Việt Nam thấp hơn sẽ gây tổn hại cho các thành viên của liên minh.

Việc nâng cấp vị thế của Việt Nam cũng vấp phải sự phản đối đáng kể tại Quốc hội Mỹ, với 8 thượng nghị sĩ và 31 hạ nghị sỹ cũng đưa ra lập luận tương tự như trên. Họ còn nói việc cấp quy chế nền kinh tế thị trường cho Việt Nam sẽ mang lại lợi ích các công ty nhà nước Trung Quốc đã đầu tư nhiều vào Việt Nam, giúp các công ty này dễ dàng lách thuế quan của Mỹ.

Ông Roy Houseman, Giám đốc phụ trách vấn đề lập pháp của Liên minh Công nhân thép Mỹ (USW), nói rằng việc nâng hạng cho Việt Nam sẽ “xói mòn nền sản xuất trong nước của Mỹ, làm suy yếu khả năng phục hồi chuỗi cung ứng của Mỹ, và củng cố vai trò của Việt Nam như một mạch dẫn dòng hàng hóa Trung Quốc được giao dịch thương mại không bình đẳng”.

Ông Biden đã có nhiều nỗ lực nhằm thu hút được nhiều phiếu bầu của công nhân thuộc các tổ chức công đoàn trong cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra vào tháng 11, đặc biệt là từ các công nhân ngành thép ở Pennsylvania – một bang “chiến địa” có thể quyết định kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử.

Ông đã bác bỏ đề xuất của hãng thép Nhật Nippon Steel về mua lại hãng thép Mỹ US Steel, đồng thời kêu gọi áp dụng mức thuế quan “Mục 301” cao hơn đối với thép nhập khẩu từ Trung Quốc.

https://vneconomy.vn/reuters-my-xem-xet-cong-nhan-viet-nam-la-nen-kinh-te-thi-truong.htm