Chiều 03/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2023 của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản…

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Phát biểu tại hội nghị, các doanh nghiệp bất động sản đều nhận định rằng Nghị quyết 33 ra đời giống như đem đến “phao cứu sinh” cho các doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, điều đó chưa đủ bởi lĩnh vực bất động sản đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và cần có những giải pháp để tháo gỡ triệt để.

NGHỊ QUYẾT 33 GIÚP DOANH NGHIỆP KHÔNG RƠI VÀO BẤT ỔN

Nói về tác động của Nghị quyết 33, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn địa ốc Nova (Novaland) Bùi Thành Nhơn thừa nhận rằng trong bối cảnh các doanh nghiệp bị bào mòn do dịch bệnh, do lạm phát, do bất ổn toàn cầu, Nghị quyết 33 của Chính phủ ban hành ngày 11/03/2023 như một nguồn oxy quý báu đúng thời điểm, giúp cộng đồng doanh nghiệp không rơi vào bất ổn, kịp thời ngăn chặn nhiều hệ lụy xấu ảnh hưởng đến nguồn lực tài chính, đến đà phát triển của quốc gia, đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và an sinh xã hội.

Ông Bùi Thành Nhơn phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Ông Bùi Thành Nhơn phát biểu tại hội nghị – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

“Cho đến nay, các dự án của Novaland căn bản đã có hướng giải quyết cụ thể và đang trong tiến trình tháo gỡ. Các dự án tại Bà Rịa Vũng Tàu hầu hết đã được lãnh đạo tỉnh phê duyệt giải quyết. Các dự án tại TPHCM, Đồng Nai, Bình Thuận đã được Tổ Công tác và các bộ ban ngành tận tình hướng dẫn và địa phương đang tập trung tháo gỡ”, ông Nhơn cho biết.

Song lãnh đạo Novaland cũng kiến nghị Chính phủ tháo gỡ triệt để các vướng mắc về pháp lý cho toàn bộ các dự án trên cả nước trong thời gian nhất định ngắn nhất trên nền tảng pháp luật nhất quán thông suốt từ Địa phương – Chính phủ – Quốc hội; Làm rõ hơn kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ để cán bộ địa phương có cơ sở pháp lý rõ ràng, nhằm an tâm quyết liệt hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, sáng tạo đột phá góp phần cho một nước Việt Nam phát triển;

Tăng cường xây dựng bảo đảm pháp lý cho kinh tế tư nhân yên tâm phát triển. Không hình sự hoá kinh tế trên cơ sở ban hành các văn bản pháp lý. Bảo vệ quyền tài sản của doanh nghiệp tư nhân và quyền lợi ích của doanh nhân theo quy định của pháp luật; Tăng cường hỗ trợ chính sách để kinh tế tư nhân phát triển bền vững nhằm nâng cao tỷ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế. Không phân biệt doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước. Nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp Việt vươn tầm quốc tế.

Đồng thời, có chính sách khuyến khích hỗ trợ, đặc biệt cho các doanh nghiệp phải trực tiếp làm hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội tại các dự án ở những vùng khó khăn, các doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao, đô thị xanh giúp giảm phát thải, giúp phát triển địa phương tạo ra nhiều công ăn việc làm, nâng cao đời sống người dân; góp phần vào an sinh xã hội.

ĐỀ NGHỊ CHO PHÉP NGƯỜI MUA NHÀ Ở XÃ HỘI ĐƯỢC CHUYỂN NHƯỢNG

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Hưng Thịnh Corp, ghi nhận vai trò quan trọng của Nghị quyết 33 trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, song cũng nêu rõ công tác này cần được thúc đẩy hơn nữa.

Ông Nguyễn Đình Trung phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Ông Nguyễn Đình Trung phát biểu tại hội nghị – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ông Trung phân tích 5 điểm cần thúc đẩy.

Thứ nhất, một dự án phát triển đến được giai đoạn có giấy phép xây dựng để thi công mới tạo ra công ăn việc làm, tạo ra đơn đặt hàng cho hàng trăm ngành nghề liên quan. Trong khi thực tiễn hiện nay quy trình thủ tục để có được giấy phép xây dựng chưa đảm bảo vì nhiều nguyên nhân khách quan chủ quan. Chúng tôi mong rằng các cơ quan ban ngành từ Chính phủ đến các tỉnh, thành có giải pháp hỗ trợ đặt mục tiêu doanh nghiệp được cấp phép xây dựng để đưa dự án vào triển khai.

Thứ hai, hiện chủ đầu tư được tiếp cận vốn vay ngân hàng khi đã hoàn tất thủ tục đất đai và thủ tục xây dựng dự án, do tình trạng pháp lý khó khăn thì những quy định về tiếp cận vốn sẽ là tạo khó khăn trong công tác tiếp cận vốn vay ngân hàng thực hiện dự án theo quy định. Chúng tôi kiến nghị, trong ngắn hạn Ngân hàng cần điều chỉnh điều kiện cho vay linh hoạt theo từng giai đoạn như dự án có chấp thuận chủ trương đầu tư thì có thể được phép tiếp cận vốn vay. Những vấn đề này giúp doanh nghiệp, ngân hàng, người tiêu dùng luân chuyển dòng tiền, tạo thành khoản… tạo ra công ăn việc làm, tăng chi tiêu của người dân.

Thứ ba, liên quan đến mục tiêu chung tay tạo ra 1 triệu căn nhà ở xã hội vào năm 2030 (Tập đoàn Hưng Thịnh cũng đã đăng ký tham gia), chúng tôi đề xuất cho phép người mua được chuyển nhượng nhà tự do; trường hợp này có thể quy định bên nhận chuyển nhượng lại phải nộp thêm khoản tiền tương ứng phần giá trị tiền sử dụng đất nhưng người sử dụng tài sản có thể trong hoàn cảnh khó khăn họ bán được bất động sản để lo cho gia đình mình và Nhà nước có thể thu ngay được tiền mà do họ chuyển nhượng tương đương giá trị sử dụng đất.

Thứ tư, hiện các dự án bất động sản đang tính tiền sử dụng đất theo phương pháp thặng dư;  đây là phương án tốt nhất cho đến hiện nay, trong đó việc áp dụng chỉ số CPI trong tính tiền sử dụng đất theo phương pháp thặng dư là hợp lý. Tuy nhiên nhiều địa phương không áp dụng chỉ số CPI của địa phương mà áp dụng theo CPI quốc gia. Quan điểm của nhiều chuyên gia cần áp dụng CPI của địa phương nhằm phản ánh đúng tăng trưởng và tình trạng kinh tế của địa phương, tránh tình trạng giá bất động sản ở một số nơi cao.

Thứ năm, điểm cuối cùng, chúng tôi kiến nghị Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng nên tính tới giải pháp sử dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K). Với phương pháp này, doanh nghiệp có thể tính toán được tiền sử dụng đất mình phải đóng trước khi quyết định đầu tư và hợp tác đầu tư, Nhà nước không khó khăn trong việc định giá đất”, ông Trung nói

CẦN ĐÁNH THUẾ CHỐNG ĐẦU CƠ VÀ LŨNG ĐOẠN THỊ TRƯỜNG 

Trong khi đó, ông Lê Tự Minh, Chủ tịch Công ty CP đầu tư IMG, lưu ý rằng bản chất của việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản mà Chính phủ đang quan tâm nằm ở 3 vấn đề.

Thứ nhất là chống đầu cơ đất. Hiện nay, việc đầu cơ đất và lũng đoạn thị trường bất động sản đang ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam. Người dân mua đất chờ thời cơ tăng giá, khiến một bộ phận lực lượng sản xuất “nằm ngủ” không phát huy tác dụng, rất phí phạm.

Ông Lê Tự Minh phát biểu tại hội nghị- Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Ông Lê Tự Minh phát biểu tại hội nghị- Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

“Kinh nghiệm của các nước là dùng thuế để điều chỉnh sự đầu cơ. Chúng tôi có dự án ở Australia, mỗi năm chúng tôi phải nộp thuế đất 2%. Mỗi năm, chúng tôi phải đóng thuế đất 700.000-800.000 USD khi chưa thực hiện dự án. Năm nay, chính quyền địa phương quyết định tăng mức thuế này lên 4%. Nếu Việt Nam thực hiện chính sách này thì chỉ có những người thật sự làm dự án mới dám giữ đất và khi giữ đất thì phải làm dự án rất nhanh”, ông Minh nhận định.

Thứ hai, với lãi suất trung hạn trên 10% thì không có nền kinh tế nào khoẻ mạnh. Các nước phát triển áp dụng lãi suất trung hạn từ 3-5%. Hiện nay, lãi suất trung hạn ở Việt Nam cao, 5-6 tháng trước khoảng 12-14%, các doanh nghiệp không không dám vay và khách hàng mất niền tin vào thị trường bất động sản, họ dồn tiền cho lĩnh vực khác. Nên hạ lãi suất trung hạn xoay quanh 8,5% cộng trừ như 2 năm trước đây, để Việt Nam tiếp tục là “con rồng của châu Á”.

Thứ ba, khó khăn lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp bất động sản là pháp lý. Pháp lý có sự chồng chéo, cùng 1 vấn đề, 1 quy định nhưng nhiều cách hiểu, cấp thực thi không thực hiện và không dám làm, các doanh nghiệp rất cơ cực.

“Ở doanh nghiệp, chúng tôi giao việc kèm deadline, cán bộ sai deadline mà không có lý do chính đáng, không được cấp trên đồng ý điều chỉnh thì sẽ bị phạt hoặc chuyển công tác. Tuy nhiên, cán bộ nhà nước có chậm hoặc không làm cũng không sao. Chúng ta hiểu rõ, thất thoát do chậm trễ tiến độ lớn hơn thất thoát do tham ô. Bởi vậy, chúng tôi kiến nghị nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp lý để cán bộ yên tâm làm việc. Cần có nghị định rõ ràng về việc phân quyền và trách nhiệm của các cấp. Trong đó quy định rõ: nội dung hoàn thành, thời gian hoàn thành, trách nhiệm nếu để quá hạn”, lãnh đạo IMG kiến nghị.

https://vneconomy.vn/thao-go-kho-khan-cho-thi-truong-bat-dong-san-doanh-nghiep-hien-ke-nhieu-giai-phap.htm