Hiện có khoảng 73 cơ chế mua bán tín chỉ carbon, tính cả thị trường tự nguyện và bắt buộc, đang được vận hành trên thế giới và đã bao phủ khoảng 23% trong tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Các cơ chế này đã huy động được khoảng 100 tỷ USD trên toàn thế giới trong năm 2022…

. Một số tính toán cho thấy mỗi năm rừng của Việt Nam có thể hấp thụ khoảng gần 70 triệu tấn carbon.
. Một số tính toán cho thấy mỗi năm rừng của Việt Nam có thể hấp thụ khoảng gần 70 triệu tấn carbon.

Thế giới đã có sự đồng thuận là để giảm phát thải 2% theo Thỏa thuận Paris, mức phát thải phải giảm xuống 28% vào năm 2030. Thị trường carbon, bao gồm cả tự nguyện (hình thành dựa trên việc mua – bán tự nguyện về tín chỉ carbon với mục tiêu giảm phát thải) và bắt buộc (mua – bán dựa trên cơ chế hình thành trong Công ước quốc tế về biến đổi khí hậu (UNFCCC)) đã được hình thành, được coi là một trong những cơ chế quan trọng nhằm giảm phát thải.

Bên cạnh đó, các nhà quản lý đang tăng cường kiểm soát chuỗi cung và quan tâm tới nhiều ngành hàng hơn nhằm đảm bảo mức phát thải thấp trong các ngành. Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) nhằm đánh thuế vào các sản phẩm có dấu chân carbon cao được nhập khẩu vào EU đang nhận được sự hậu thuẫn lớn.

Ông Tô Xuân Phúc, Giám đốc điều hành Chương trình chính sách thương mại lâm sản, Tổ chức Forest Trends
Ông Tô Xuân Phúc, Giám đốc điều hành Chương trình chính sách thương mại lâm sản, Tổ chức Forest Trends

Những chính sách cải cách tại Hoa Kỳ và Australia theo hướng kiểm soát phát thải chặt chẽ hơn đang tạo động lực tăng giá carbon. Nhìn chung, môi trường cơ chế, chính sách hiện tại đang được thắt chặt nhằm kiểm soát phát thải và thúc đẩy việc vận hành của thị trường carbon.

TÍNH ĐA DẠNG CỦA THỊ TRƯỜNG CARBON

Theo thông tin từ Viện Thị trường Carbon thế giới, hiện có khoảng 73 cơ chế carbon, tính cả ở thị trường tự nguyện và bắt buộc, đang được vận hành ở cấp quốc gia và cấp địa phương. Hiện, các cơ chế này đang phủ khoảng 23% trong tổng lượng phát thải khí nhà kính (GHG) toàn cầu. Vận hành của các cơ chế này đã huy động được khoảng 100 tỷ USD trong năm 2022. Các cơ chế trong thị trường carbon bắt buộc chiếm vai trò chủ đạo, với khoảng 98% tổng nguồn thu được tạo ra từ các cơ chế này (2% còn lại là từ các cơ chế của thị trường tự nguyện).

Đối với thị trường carbon tự nguyện, con số thống kê của Chương trình Ecosystem Marketplace của Forest Trends cho thấy giai đoạn 2021-2023 có 1.530 dự án carbon tại 98 quốc gia khác nhau. Lượng carbon giao dịch khoảng 254 triệu tấn với kim ngạch khoảng gần 1,9 tỷ USD. Lượng tín chỉ carbon giao dịch trong khuôn khổ chương trình carbon tự nguyện năm 2022 giảm 51% so với lượng giao dịch năm 2021. Tuy nhiên, giá mua bán tín chỉ carbon tăng mạnh (82%) từ mức 4,04 USD/tấn lên 7,37 USD/tấn năm 2022. Thống kê của Ecosystem Marketplace cho thấy giá tín chỉ carbon năm 2023 giảm so với 2022, ở mức 6,97 USD/tấn.

“Thị trường carbon tự nguyện đa dạng, thể hiện qua các khía cạnh các loại hình dự án, các tiêu chuẩn chất lượng các bon được áp dụng trong các dự án, các đồng lợi ích (co-benefits) được tạo ra đính kèm với tín chỉ carbon và theo đó, các mức giá cả tín chỉ carbon khác nhau”.

TS. Tô Xuân Phúc.

Những dự án tín chỉ carbon được hình thành trong các mảng như lâm nghiệp và sử dụng đất, năng lượng tái tạo, nông nghiệp, giao thông… có lượng giao dịch và giá tín chỉ carbon từ các loại hình dự án này khác nhau.

Theo Ecosystem Marketplace, năm 2022, các dự án carbon trong lĩnh vực lâm nghiệp và sử dụng đất nhận được sự quan tâm nhiều nhất, với trên 113 triệu tín chỉ được giao dịch với mức giá 10,14 USD/tấn. Lượng tín chỉ giao dịch trong các dự án năng lượng tái tạo cũng tương đối lớn (92,5 triệu tấn), tuy nhiên tín chỉ từ nguồn này rất thấp, khoảng 4,16 USD/tấn, thấp hơn nhiều so với mức giá của tín chỉ được hình thành trong các dự án carbon nông nghiệp (11 USD/tấn).

Tính đa dạng còn thể hiện trong mỗi loại hình của dự án. Ví dụ trong loại hình carbon lâm nghiệp và sử dụng đất, các dự án trồng, phục hồi rừng và tăng độ che phủ đất nhận được sự quan tâm vừa phải, với 9,9 triệu tấn carbon được giao dịch trong năm 2022, với mức giá 11,79 USD/tấn, trong khi tín chỉ từ các dự án REDD+ (giảm phát thải do mất rừng và suy thoái rừng) nhận được sự quan tâm lớn, với 58,5 triệu tấn carbon được giao dịch, với mức giá 10,26 USD/tấn.

Các dự án thường áp dụng các tiêu chuẩn khác nhau và do vậy, giá carbon cũng khác nhau. Theo Ecosystem Marketplace, năm 2022, các dự án áp dụng tiêu chuẩn VCS (Voluntary Carbon Standards) có lượng giao dịch 79,3 triệu tấn carbon, với mức giá 9,14 USD/tấn.

Các dự án áp dụng tiêu chuẩn CDM (Clean Development Mechanism) có lượng giao dịch tương đối lớn (51,7 triệu tấn), tuy nhiên có mức giá rất thấp (2,84 USD/tấn). Các dự án sử dụng tiêu chuẩn GS (Gold Standards) có lượng giao dịch nhỏ (11,8 triệu tấn), tuy nhiên mức giá carbon tương đối cao (8,35 USD/tấn).

Hiện, nhiều người, tổ chức mua đang tìm kiếm các dự án có chứng nhận về các tiêu chuẩn khác đính kèm với carbon, như tiêu chuẩn về Khí hậu, Cộng đồng và Đa dạng sinh học (CCB); tiêu chuẩn về Carbon xã hội (Social carbon).

Thống kê của Ecosystem Marketplace cho thấy: năm 2022, giá carbon từ các dự án không có đồng lợi ích là 5,94 USD/tấn, trong khi giá carbon đính kèm với đồng lợi ích đạt 10,6 USD/tấn. Ngoài ra, các dự án có lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) cũng đạt mức giá bán cao (11,58 USD/tấn) hơn hẳn so với các dự án không có các mục tiêu này (6,23 USD/tấn).

Các con số nêu trên cho thấy sự không đồng nhất của thị trường carbon, với các mức giá carbon khác nhau được xác định dựa trên các loại hình dự án khác nhau, tiêu chuẩn carbon được các dự án áp dụng và các lợi ích đính kèm với carbon trong các dự án này.

CƠ HỘI CARBON LÂM NGHIỆP TẠI VIỆT NAM

Với tổng diện tích 14,7 triệu ha, Việt Nam có tiềm năng huy động một nguồn tài chính từ các dự án carbon lâm nghiệp để bảo vệ và phát triển rừng. Một số tính toán cho thấy mỗi năm rừng của Việt Nam có thể hấp thụ khoảng gần 70 triệu tấn carbon. Chính phủ Việt Nam đang tham gia thị trường carbon bắt buộc, với cam kết giảm phát thải khu vực Bắc Trung Bộ đổi lại là việc cung cấp 10,3 triệu tấn carbon và khoản chi trả 51,5 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới.

“Xác định quyền carbon, lợi ích và chia sẻ lợi ích từ carbon đóng vai trò quan trọng. Việc tối đa hóa hiệu quả cần đặt người dân và cộng đồng – là những người sống gần với rừng nhất – vào vị trí trung tâm trong việc hưởng lợi từ việc bán tín chỉ carbon trong tương lai”.

TS. Tô Xuân Phúc.

Chính phủ cũng đang đàm phán với Liên minh Giảm phát thải (LEAF) và dự kiến trong tương lai sẽ huy động được một nguồn tài chính tương đương từ Liên minh này thông qua hoạt động bảo vệ rừng ở khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

Rừng của Việt Nam có tiềm năng huy động được nguồn tài chính thông qua thị trường carbon tự nguyện. Hiện mối quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước với các dự án carbon lâm nghiệp rất lớn. Tuy nhiên, Chính phủ hiện chưa có các chính sách hướng dẫn về loại hình đầu tư này.

Do đó, khuyến nghị Chính phủ nên cân nhắc ban hành các cơ chế chính sách trong thời gian sớm, nhằm kích hoạt các dự án carbon lâm nghiệp, nhằm đáp ứng cả thị trường bắt buộc và tự nguyện. Hiệu quả của các cơ chế, chính sách không chỉ phụ thuộc vào việc huy động kinh phí, mà còn phụ thuộc vào nguồn kinh phí này được sử dụng ra sao để có thể tối đa hóa hiệu quả của công tác bảo vệ và phát triển rừng.

https://vneconomy.vn/thi-truong-carbon-the-gioi-va-co-hoi-cho-viet-nam.htm