Các chính sách của Tổng thống Trump đã làm chao đảo thị trường tài chính. Trong bối cảnh này, ưu tiên bảo vệ tài sản của bản thân là điều cần thiết trước khi nghĩ đến việc tận dụng các cơ hội đầu tư giá rẻ.

Cơ hội đầu tư trong giai đoạn biến động

Tình trạng bất định hiện đang là đặc điểm nổi bật của thị trường tài chính năm nay, và dường như sẽ chưa sớm chấm dứt. Nguyên nhân chính bắt nguồn từ những quyết sách của chính quyền Trump.

Một trong những vấn đề tài chính cốt lõi là chính sách thuế quan. Tổng thống Trump đôi khi có xu hướng nhượng bộ khi thị trường phản ứng tiêu cực. Tuy vậy, ông và các cộng sự vẫn kiên quyết theo đuổi các mức thuế cao hơn dưới nhiều hình thức, dù điều này không được công chúng ủng hộ và phần lớn giới kinh tế học đều coi đó là sai lầm. Rủi ro về lạm phát leo thang, tăng trưởng kinh tế suy giảm, cùng với căng thẳng leo thang trong quan hệ với Trung Quốc và nhiều đồng minh truyền thống của Mỹ, giờ đây đã trở thành một thực tế khó tránh khỏi.

Ông Trump từng khẳng định mình là “người của thuế quan” và mong muốn tái định hình trật tự toàn cầu. Và có lẽ, cách khôn ngoan nhất lúc này là tin rằng ông thực sự nghiêm túc với điều đó. Thực tế cho thấy, sự bất định sẽ còn kéo dài và đặt ra nhiều thách thức cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, ngay cả trong giai đoạn biến động, các cơ hội đầu tư mới vẫn có thể xuất hiện.

Đơn cử như thị trường trái phiếu, sau các tuyên bố liên quan đến thuế quan, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã tăng mạnh, trong khi giá trái phiếu giảm sâu, hiện tượng từng đi kèm với các cuộc khủng hoảng tài chính toàn diện trước đây. Dù tình hình đã tạm lắng dịu, nguy cơ tái diễn các cú sốc vẫn hiện hữu. Và lần này, những cú sốc có thể đến từ các chính sách khác của Tổng thống Trump, như kế hoạch gia hạn các khoản cắt giảm thuế sắp hết hiệu lực, hoặc đề xuất thêm các gói giảm thuế mới. Những động thái này có thể khiến thâm hụt ngân sách liên bang phình to và làm gia tăng nhu cầu phát hành trái phiếu, đẩy thị trường vào vòng xoáy biến động mới.

Hạ giá đồng USD đe doạ thị trường trái phiếu

Một mục tiêu chính sách khác của chính quyền cũng đang đe dọa sự ổn định của thị trường trái phiếu là làm giảm giá trị USD để thúc đẩy xuất khẩu và khiến hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn, tác động mà thuế quan cũng mang lại. Trong bài nghiên cứu công bố hồi tháng 11/2024, khi còn làm việc ở khu vực tư nhân, Stephen Miran, người hiện là Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế, đã đề xuất một số biện pháp phi truyền thống nhằm đạt được mục tiêu này, đồng thời vẫn giữ vai trò trung tâm của USD trong hệ thống tài chính toàn cầu. Đây vốn là một mục tiêu khó đạt được ngay cả trong điều kiện ổn định. Nhưng khi đưa thêm yếu tố này vào “hỗn hợp” các mục tiêu của chính sách vốn đã nhiều biến động của chính quyền, thị trường trái phiếu càng trở nên nhạy cảm và dễ tổn thương hơn bao giờ hết.

Trước tình hình đó, nhiều nhà đầu tư quốc tế đã bắt đầu đặt dấu hỏi về mức độ an toàn của việc nắm giữ tài sản định giá bằng USD và trái phiếu Chính phủ Mỹ. Điều này đã góp phần khiến USD liên tục suy yếu. Cựu Thứ trưởng Tài chính Mỹ phụ trách tài chính nội địa, bà Nellie Liang, trong một bài viết cho Viện Brookings, đã chỉ ra một số nhà đầu tư cho rằng cơn sóng gió tại thị trường trái phiếu gần đây có thể xuất phát từ “nỗi nghi ngờ ngày càng lớn về việc liệu trái phiếu Chính phủ Mỹ có còn là tài sản trú ẩn an toàn hàng đầu trên toàn cầu hay không, và điều đó hoàn toàn phù hợp với đà sụt giảm của USD”.

Bà Liang cảnh báo: “Nếu thị trường bắt đầu định giá lại trái phiếu Chính phủ Mỹ vì lý do này, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Chính phủ Mỹ sẽ phải trả lãi suất cao hơn để huy động vốn bù đắp thâm hụt ngân sách, trong khi chi phí vay vốn của doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng sẽ leo thang”. Bà kết luận sẽ mất một khoảng thời gian đáng kể để có thể “gỡ rối” và đánh giá đúng mức độ nghiêm trọng của vấn đề này.

Bối cảnh hiện nay, việc đầu tư dài hạn đang trở nên khó khăn hơn nhiều. Một số người vẫn có thể bình thản vượt qua những biến động và tiếp tục nắm giữ trái phiếu Chính phủ hoặc các quỹ trái phiếu như trước. Với những ai tìm kiếm cơ hội để hưởng lợi suất cao, thị trường cũng có lúc mở ra thời điểm thuận lợi, chẳng hạn như khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng gần chạm mức 5% vào đầu tháng 4. Tuy nhiên, dù bạn là nhà đầu tư hay không thì thực tế là ai cũng đang phải đối mặt với hàng loạt rủi ro, và nhiều rủi ro trong số đó chưa được nhìn nhận một cách đầy đủ.

An toàn vẫn là ưu tiên hàng đầu

Trong thời kỳ khủng hoảng, lời khuyên thường gặp và đáng để tâm là đừng vội hành động, hãy dành thời gian để xem xét lại chiến lược đầu tư. Nếu chiến lược đó vẫn hợp lý và vững vàng, có thể không cần phải điều chỉnh.

Giả sử bạn đang có tiền trong các tài khoản như quỹ hưu trí 401(k) tại nơi làm việc, tài khoản hưu trí cá nhân (IRA – individual retirement account), tài khoản tiết kiệm giáo dục 529 hoặc một tài khoản đầu tư chịu thuế đang được tích lũy cho những mục tiêu quan trọng như mua nhà.

Hãy tính toán cụ thể số tiền mình sẽ cần trong thời gian gần, bởi hiện nay cả thị trường cổ phiếu lẫn trái phiếu đều nhiều biến động hơn trước. Điều đó có nghĩa nếu buộc phải bán tài sản đầu tư để lấy tiền mặt, có thể phải chấp nhận bán lỗ.

Khi cảm thấy thị trường bất ổn, chủ động gia tăng lượng tiền mặt trong các tài khoản tiết kiệm an toàn có lãi suất, để không phải bán đi những khoản đầu tư cốt lõi khi thị trường rơi vào khủng hoảng. Một số lựa chọn phù hợp trong trường hợp này bao gồm quỹ thị trường tiền tệ, tài khoản tiết kiệm lãi suất cao hoặc chứng chỉ tiền gửi ngắn hạn.

Nếu bạn đã nghỉ hưu và sống nhờ vào thu nhập từ danh mục đầu tư, hoặc đang chuẩn bị tài chính cho con vào đại học, thì yếu tố an toàn có thể trở thành ưu tiên hàng đầu. Khi đó, nên cân nhắc liệu có cần tăng lượng tài sản dễ thanh khoản hơn so với thời điểm thị trường ổn định hay không. Những tài khoản tiết kiệm với lãi suất tốt có thể mang lại cảm giác yên tâm đáng kể trong giai đoạn đầy biến động này.

Cách giảm thiểu rủi ro cho danh mục đầu tư

Với các khoản đầu tư cốt lõi, điều đáng chú ý là những danh mục được đa dạng hóa, bao gồm cả cổ phiếu và trái phiếu trên toàn cầu, đang hoạt động tốt hơn so với thị trường chứng khoán Mỹ trong năm nay. Những danh mục này chỉ ghi nhận mức tăng hoặc giảm nhẹ, tốt hơn nhiều so với mức sụt giảm gần 10% (bao gồm cả cổ tức) của chỉ số S&P 500.

Tuy vậy, đặt toàn bộ niềm tin vào bất kỳ thị trường đơn lẻ mang theo nhiều rủi ro. Trong vòng 20 năm qua, thị trường chứng khoán Mỹ đã vượt trội so với phần lớn thị trường khác. Nhưng vì không ai có thể chắc chắn điều gì sẽ xảy ra trong tương lai, nên chọn cách phân bổ danh mục rộng rãi ở nhiều thị trường khác nhau thông qua các quỹ chỉ số có chi phí thấp, đó là chiến lược phù hợp.

Danh mục đầu tư cá nhân này khá giống với Quỹ Vanguard Target Retirement 2030, một quỹ được thiết kế cho những người có kế hoạch nghỉ hưu trong khoảng 5 năm tới. Tỷ trọng phân bổ của quỹ này là khoảng 60% cổ phiếu và 40% trái phiếu, trong đó khoảng 2/3 tập trung vào thị trường Mỹ, phần còn lại đầu tư vào thị trường quốc tế. Từ đầu năm tới nay, quỹ này giảm 2.5%.

Theo truyền thống, trái phiếu được đưa vào danh mục đầu tư để tăng mức độ an toàn, trong khi cổ phiếu ưu hướng đến tăng trưởng dài hạn. Với những người trẻ tuổi, họ có thể đầu tư gần như toàn bộ khoản tiết kiệm dài hạn vào cổ phiếu, dù điều này tiềm ẩn rủi ro thua lỗ trong hiện tại hay tương lai. Tuy vậy, lịch sử đã chứng minh rằng cổ phiếu thường mang lại lợi suất vượt trội so với trái phiếu. Theo dữ liệu từ Morningstar, giai đoạn 1926-2023, cổ phiếu của các công ty lớn tại Mỹ mang lại lợi suất trung bình hàng năm 10.3%, trong khi trái phiếu Chính phủ Mỹ chỉ đạt 5.1%, cả hai con số đều bao gồm cổ tức.

Điều cần lưu ý là Tổng thống Trump đang chủ động làm xói mòn nhiều chính sách kinh tế truyền thống của Mỹ, khiến thị trường tài chính thêm phần bất ổn.

Hãy cân nhắc những yếu tố này khi đánh giá mức độ rủi ro mà bản thân đang phải đối mặt.

Quyết định cá nhân: Giữ vững chiến lược giữa cơn sóng dữ

Thị trường chứng khoán đã nhiều lần phản ứng dữ dội trước các thông báo thuế quan, và sẽ còn tiếp diễn biến động. Thuế suất cao có thể làm giảm lợi nhuận doanh nghiệp, đẩy nguy cơ suy thoái kinh tế lên cao. Vì vậy, việc lao vào mua cổ phiếu khi thị trường đang lao dốc với hy vọng kiếm lời nhanh chóng có thể là một chiến lược đầy rủi ro, đặc biệt nếu thị trường tiếp tục trượt dài.

Thị trường trái phiếu cũng bất ổn. Việc mua vào sau khi lợi suất tăng (đồng nghĩa với giá giảm) không hẳn là nước đi khôn ngoan, nếu xu hướng bất lợi tiếp tục và lợi suất còn leo thang.

Với những nhà đầu tư dài hạn, tức tầm nhìn ít nhất 10 năm, thậm chí hơn, chiến lược trung bình giá vẫn là một lựa chọn đáng tin cậy. Bằng cách đầu tư đều đặn, bạn có thể kéo giảm giá vốn trung bình, nhất là khi thị trường đi xuống.

Về lâu dài, bạn có thể sẽ thu được kết quả tích cực, với giả định rằng thị trường rồi sẽ phục hồi. Đó vẫn là giả định có thể tin tưởng, dù không thể phủ nhận rằng nó vẫn bất an. Biết đâu Quốc hội lại thông qua các gói cắt giảm thuế quy mô lớn, từ đó kích hoạt một làn sóng tăng giá mới. Việc chính quyền Trump tiếp tục mạnh tay nới lỏng các quy định cũng có thể mang lại sự phấn khởi cho Phố Wall.

Tuy nhiên, những chính sách hiện hành lại khiến vai trò “lá chắn” của trái phiếu Chính phủ Mỹ, vốn thường được xem là nơi trú ẩn an toàn khi thị trường cổ phiếu giảm mạnh, trở nên kém hiệu quả hơn. Một giải pháp hợp lý là chuyển sang nắm giữ trái phiếu Chính phủ ngắn hạn, ít biến động hơn và là lựa chọn an toàn trong ngắn hạn. Dù vậy, chúng cũng sẽ không tăng giá mạnh trong thời kỳ suy thoái như các trái phiếu dài hạn, và càng không đủ để bù đắp các khoản lỗ từ cổ phiếu.

Chúng ta đang sống trong một thế giới nhiều rủi ro hơn. Hãy đầu tư với tầm nhìn dài hạn và giữ hy vọng vào những điều tốt đẹp, nhưng đừng quên chuẩn bị tâm thế cho những khó khăn có thể ập đến bất cứ lúc nào.

https://vietstock.vn/2025/04/thi-truong-dau-tu-dai-han-dang-tro-nen-rui-ro-hon-772-1298170.htm