Chiều tối 6/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) Việt Nam về tình hình hoạt động của Hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp SME và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp…

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc - Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc – Ảnh: VGP

Dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo một số ngân hàng thương mại Nhà nước.

Hiệp hội SME là tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ, với trên 65.000 hội viên. Hiện nay, Hiệp hội SME có hệ thống tổ chức với 28 đơn vị trực thuộc. Thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp SME đóng góp quan trọng vào phát triển nền kinh tế, tạo công ăn, việc làm, đóng góp vào ngân sách; đồng thời tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội…

Theo Hiệp hội SME, thời gian qua do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và các tác động từ tình hình thế giới khác, đơn hàng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ sụt giảm, đầu ra khó khăn, chi phí nguyên, nhiên, vật liệu vẫn cao… ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp SME. Việc các doanh nghiệp SME khó khăn trong sản xuất, kinh doanh ảnh hưởng tới doanh thu của doanh nghiệp, đặc biệt ảnh hưởng tới việc làm, thu nhập của người lao động.

Tại buổi làm việc, Hiệp hội và các doanh nghiệp SME đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan xem xét chỉ đạo, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn tốt hơn; tiếp tục giảm lãi suất, nới lỏng điều kiện cho vay; xem xét thành lập quỹ, dùng đòn bẩy tín dụng hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp; cơ cấu lại các khoản nợ cho doanh nghiệp; có chính sách đào tạo quản trị doanh nghiệp; tạo điều kiện để các doanh nghiệp SME tham gia các chương trình, công trình, dự án có giá trị lớn… Qua đó, góp phần tháo gỡ khó khăn, giúp các doanh nghiệp SME phát triển.

Quang cảnh buổi làm việc - Ảnh: VGP
Quang cảnh buổi làm việc – Ảnh: VGP

CHÍNH PHỦ LUÔN LẮNG NGHE VÀ CHIA SẺ, THÁO GỠ KHÓ KHĂN CHO DOANH NGHIỆP

Sau khi lắng nghe ý kiến của Hiệp hội SME, các doanh nghiệp và phần giải đáp, đề xuất giải pháp của các bộ, ngành và lãnh đạo các ngân hàng, kết luận buổi làm việc, Thủ tướng khẳng định Chính phủ luôn  lắng nghe, chia sẻ, nỗ lực để có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Thủ tướng chỉ ra một số giải pháp đã được thực hiện như chính sách gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất, miễn giảm thuế, phí, lệ phí (với tổng quy mô khoảng 200.000 tỷ đồng theo các Nghị định số 12, 36, 41 của Chính phủ, giảm 2% thuế GTGT theo Nghị quyết của Quốc hội…). Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản (theo các Nghị định số 08, số 10 và Nghị quyết 33 của Chính phủ).

Chính phủ cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi nhanh, phát triển bền vững (Nghị quyết 58 của Chính phủ); đã thành lập 26 tổ công tác do các thành viên Chính phủ làm việc trực tiếp với tất cả các địa phương, đã xử lý 300/1.000 nghìn kiến nghị và đang tiếp tục xem xét, xử lý đối với trên 700 kiến nghị còn lại.

“Những giải pháp trên có thể chưa đáp ứng được hết các yêu cầu của sự phát triển và thời gian tới, cần phải cần cố gắng hơn nữa, quyết tâm hơn nữa, nỗ lực hơn nữa”, Thủ tướng phát biểu.

Thủ tướng dẫn một kết quả khảo sát 10.000 doanh nghiệp gần đây cho thấy 59,2% doanh nghiệp cho rằng khó khăn lớn nhất là về đơn hàng, 51,1% cho rằng khó khăn lớn nhất là về tiếp cận vốn; còn lại là những khó khăn trong đáp ứng thủ tục hành chính và quy định của pháp luật.

Mặt khác, những khó khăn, thách thức hiện nay không chỉ riêng với nền kinh tế Việt Nam. Theo Báo cáo Đầu tư thế giới do Hội nghị Liên Hợp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) công bố mới đây, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu đã giảm 12% trong năm 2022, riêng các nước phát triển giảm 37%. Nhiều thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam bị thu hẹp, như Hoa Kỳ thu hẹp 20%, EU 11%, Trung Quốc 10%…

Trong khi đó, quy mô nền kinh tế Việt Nam còn khiêm tốn, độ mở lớn, khả năng thích ứng, sức chống chịu với các cú sốc bên ngoài còn có hạn. Việt Nam là nước đang phát triển, trong quá trình chuyển đổi, vừa phải ứng phó với những tác động, ảnh hưởng rất lớn từ bên ngoài; trong khi những hạn chế, bất cập nội tại của nền kinh tế kéo dài nhiều năm và bộc lộ rõ hơn trong khó khăn.

ĐẶT MÌNH VÀO ĐỊA VỊ CỦA NGƯỜI KHÁC ĐỂ CÙNG THÁO GỠ KHÓ KHĂN

Làm rõ thêm một số vấn đề được nhiều ý kiến đề cập tại cuộc gặp, mà trước hết là những khó khăn trong tiếp cận vốn, lãi suất còn cao, Thủ tướng nêu rõ, ngành ngân hàng đã 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng dư nợ tín dụng, tăng khả năng tiếp cận tín dụng, nhưng cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa, triển khai các giải pháp mạnh mẽ hơn nữa, mang lại hiệu quả thiết thực hơn nữa, kịp thời hơn nữa.

Lắng nghe những trao đổi giữa ngân hàng và các doanh nghiệp tại cuộc làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm hai bên cần lắng nghe, chia sẻ nhiều hơn, tôn trọng, có trách nhiệm với nhau, cùng nhau tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên cơ sở quy định của pháp luật và phù hợp hoàn cảnh, tình hình.

Thủ tướng yêu cầu NHNN và các ngân hàng tiếp tục nghiên cứu hạ lãi suất cho vay - Ảnh 1
Thủ tướng yêu cầu NHNN và các ngân hàng tiếp tục nghiên cứu hạ lãi suất cho vay - Ảnh 2

Lãnh đạo các Bộ, ngành phát biểu tại buổi làm việc – Ảnh: VGP

“Phải đặt mình vào địa vị của người khác; ngân hàng phải đặt mình vào vị trí các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đặt mình vào vị trí của các ngân hàng”. Thủ tướng phát biểu. “Vừa qua, Thủ tướng đã chỉ đạo lập các cơ quan, các địa phương phải vào cuộc cùng ngân hàng và doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với từng lĩnh vực, thậm chí là từng dự án”.

Trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát và giảm dần, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, với định hướng chính sách ưu tiên hơn cho mục tiêu tăng trưởng, tập trung thúc đẩy 3 động lưc tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), Thủ tướng đề nghị ngành ngân hàng tiếp tục quyết liệt triển khai các nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, đặc biệt là triển khai chính sách tiền tệ linh hoạt, nới lỏng hơn thông qua tăng cung tiền, bảo đảm nhu cầu tín dụng, tăng trưởng tín dụng phù hợp, giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho sản xuất kinh doanh.

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh điều kiện cho vay thuận lợi hơn, tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay; đồng thời, theo dõi việc triển khai Thông tư 02  về cơ cấu lại nợ và Thông tư 03 về mua lại trái phiếu doanh nghiệp để điều chỉnh kịp thời nếu cần thiết.

Về thủ tục, Chính phủ đã giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Nội vụ tiếp tục rà soát để tiếp tục cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới và tăng cường giám sát, kiểm tra; nâng cao trách nhiệm của cán bộ, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, tiếp tục hoàn thiện thể chế để cán bộ yên tâm làm.

Về vấn đề vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khiêm tốn, chúng ta phải tìm cách cải thiện vấn đề này, các doanh nghiệp phối hợp, hợp tác với ngân hàng để nâng vốn.

Chủ tịch Hiệp hội SME phát biểu tại cuộc làm việc - Ảnh: VGP
Chủ tịch Hiệp hội SME phát biểu tại cuộc làm việc – Ảnh: VGP

Về vướng mắc pháp lý, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ ngành tiếp tục rà soát, nội dung nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì báo cáo, đề xuất Quốc hội, những nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ làm, các nội dung thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành thì các bộ, ngành làm.

“Chính phủ sẽ rà soát lại các quỹ, tiếp tục nghiên cứu triển khai các giải pháp hỗ trợ về đào tạo nhân lực, nâng cao khả năng quản trị của doanh nghiệp và cơ chế ưu tiên cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển các lĩnh vực mới như đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Liên quan các gói tín dụng ưu đãi, Thủ tướng đề nghị ngành ngân hàng thúc đẩy gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho lĩnh vực nhà ở xã hội, 10.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp gỗ và lâm sản.

Về những khó khăn liên quan tới đơn hàng, cần tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát huy hiệu quả các FTA và đàm phán các FTA mới, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng (miễn giảm thuế, phí, lệ phí…), kêu gọi đẩy mạnh Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Các đại biểu tham dự buổi làm việc - Ảnh: VGP
Các đại biểu tham dự buổi làm việc – Ảnh: VGP
Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, triển khai các gói tín dụng để kích cầu tiêu dùng. Đồng thời, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát các quy định để giao các dự án đầu tư hạ tầng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ theo quy định của pháp luật.

“Đây là lúc cần chung tay, đoàn kết, thống nhất để tháo gỡ khó khăn. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải chia sẻ, nắm bắt khó khăn, thường xuyên lắng nghe, đối thoại với doanh nghiệp, kịp thời đưa ra chính sách tháo gỡ. Doanh nghiệp cũng phải đoàn kết, nỗ lực, cố gắng hơn nữa, tiết kiệm chi phí, đổi mới quản trị doanh nghiệp, mở rộng thị trường, đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng đến sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn, đáp ứng yêu cầu thị trường quốc tế, thường xuyên đổi mới, có các sản phẩm đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng”, Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh.

Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với các cơ quan tổng hợp, tiếp thu các ý kiến, ban hành thông báo kết luận Thủ tướng Chính phủ tại cuộc làm việc để triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả.

https://vneconomy.vn/thu-tuong-yeu-cau-nhnn-va-cac-ngan-hang-tiep-tuc-nghien-cuu-ha-lai-suat-cho-vay.htm