Năm 2022, TP.HCM giữ vững vị trí thứ 2 toàn quốc về chuyển đổi số (DTI) với thể chế số (hạng 1), hạ tầng số (hạng 1), hoạt động chính quyền số (hạng 2), hoạt động kinh tế số (hạng 4)…

TP.HCM giữ vững vị trí thứ 2 chuyển đổi số, kinh tế số cho GRDP đạt 18,66%. (Ảnh minh họa).
TP.HCM giữ vững vị trí thứ 2 chuyển đổi số, kinh tế số cho GRDP đạt 18,66%. (Ảnh minh họa).

Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây đã công bố kết quả xếp hạng chỉ số chuyển đổi số (DTI) năm 2022. Theo báo cáo xếp hạng, TP.HCM tiếp tục vươn lên xếp hạng thứ 2 toàn quốc. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Thành phố là địa phương có quy mô và mật độ dân số cao nhất nước được đánh giá triển khai hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số. Trong đó, Thành phố đã giữ vị trí cao về chỉ số thể chế số (xếp thứ 1), hạ tầng số (xếp thứ 1), hoạt động chính quyền số (thứ 2), hoạt động kinh tế số (thứ 4) trên toàn quốc.

PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG SỐ TP.HCM

Thành phố đã triển khai thành công tập trung hạ tầng công nghệ thông tin các cơ quan nhà nước trên nền tảng điện toán đám mây tại Trung tâm dữ liệu Thành phố và đảm bảo an toàn thông tin, hạ tầng mạng trong các cơ quan Đảng nhà nước năm 2022. Chất lượng mạng viễn thông, Internet và cáp quang băng thông rộng Thành phố được nâng cao và phủ khắp đến từng nhà người dân, 100% phường xã, thị trấn không có vùng lõm sóng.

Ngoài ra, Thành phố triển khai, phát động nhiều chương trình hỗ trợ đến người dân như chương trình vận động hỗ trợ smartphone cho hộ gia đình khó khăn, chương trình “Sóng và máy tính cho em”, chương trình cấp chữ ký số miễn phí để người dân sử dụng các dịch vụ trực tuyến.

Đặc biệt, nền tảng liên thông, chia sẽ dữ liệu Thành phố (HCM LGSP) với các hệ thống Quốc gia được mở rộng kết nối thông suốt. Hiện, có hơn 1.000 đơn vị các sở ban ngành, quận huyện, phường xã thị trấn, TP. Thủ Đức và các tổng công ty, bệnh viện, trung tâm y tế, trường học đã được triển khai thực hiện kết nối với nền tảng liên thông, chia sẻ dữ liệu.

Đồng thời, Thành phố đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả các dự án số hóa, tạo lập và làm giàu Kho dữ liệu Thành phố bằng việc tiên phong trong ban hành và triển khai Chiến lược quản trị dữ liệu. Cổng dữ liệu của Thành phố đã thực hiện chia sẻ dữ liệu cho các sở, ban, ngành, quận, huyện khai thác và sử dụng, bao gồm: Thông tin doanh nghiệp; Hộ kinh doanh cá thể; Thông tin giao dịch đảm bảo; Thông tin đăng ký quyền sử dụng nhà ở, đất ở; Cơ sở khám chữa bệnh; Chứng chỉ hành nghề y; Cơ sở giáo dục; Dịch vụ giáo dục; Dự án đầu tư nước ngoài…

Thành phố đã đưa vào vận hành các nền tảng lớn dùng chung là hạ tầng dữ liệu quan trọng của Chính quyền số Thành phố, trong đó có hai nền tảng số quan trọng gồm: Nền tảng số hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Thành phố trên cơ sở hợp nhất hơn 40 phần mềm một cửa điện tử của các quận huyện, sở ban ngành; Nền tảng số hệ thống quản trị, thực thi Thành phố nhằm phục vụ hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan nhà nước.

CẢI CÁCH THỂ CHẾ, TRIỂN KHAI CHÍNH QUYỀN SỐ

Thành phố đã triển khai thiết lập quy trình xử lý các thủ tục hành chính, văn bản của tất cả cơ quan nhà nước bao gồm các sở ban ngành, TP. Thủ Đức, quận huyện, phường xã thị trấn trên môi trường số, đưa vào vận hành 1.542 dịch vụ công trực tuyến đạt tỷ lệ 97,7% trên tổng số thủ tục hành chính, trong đó có 400 dịch vụ công đã được rà soát, tái cấu trúc quy trình và được Chủ tịch UBND Thành phố công bố đạt dịch vụ công trực tuyến mức toàn trình. Việc đơn giản hóa quy trình đem lại hiệu quả tích cực trong quá trình thụ lý hồ sơ, giảm bớt thời gian xử lý, và đơn giản hóa giấy tờ, thủ tục cho người dân.

Hội nghị triển khai Chiến lược quản trị dữ liệu TP.HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với sự hợp tác giữa UBND TP.HCM và Ngân hàng Thế giới.  
Hội nghị triển khai Chiến lược quản trị dữ liệu TP.HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với sự hợp tác giữa UBND TP.HCM và Ngân hàng Thế giới.  

Thành phố thực hiện đưa vào vận hành quản lý và giám sát tình hình xử lý kiến nghị người dân các lĩnh vực trên môi trường số của 625 đầu mối xử lý qua Cổng 1022; Theo dõi việc thực hiện kế hoạch năm các chỉ tiêu, kinh tế xã hội của Thành phố với 110 chỉ tiêu của 20 nhóm lĩnh vực các ngành; các công việc thực hiện chỉ đạo của Ủy ban, Thành ủy của quận huyện, sở ban ngành được nhắc nhở, giám sát trên môi trường số định kỳ hàng tuần.

Trong đó, tỷ lệ đóng góp của kinh tế số cho GRDP của Thành phố năm 2022 ước đạt 18,66% (năm 2021 là 15,38%). Thành phố tổ đã tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động nhằm lắng nghe và triển khai các chính sách thúc đẩy, nâng cao phát triển kinh tế số của Thành phố như Diễn đàn kinh tế TP.HCM năm 2022 với chủ đề “Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TP.HCM trong tương lai”, Hội nghị gặp mặt giữa lãnh đạo Thành phố với doanh nghiệp, chuyên gia ngành công nghiệp công nghệ thông tin – truyền thông…

10 NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM NĂM 2023

Để đạt được các mục tiêu đề ra, năm 2023, Thành phố sẽ tập trung thực hiện 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Một là, hoàn thành Kế hoạch đưa vào vận hành thống nhất Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Thành phố, kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia; hệ thống xác thực định danh, cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an cũng như các cơ sở dữ liệu Quốc gia các bộ ngành. Hoàn thành chỉ tiêu cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình (đối với thủ tục đủ điều kiện).

Hai là, đẩy mạnh ứng dụng Công dân số. Triển khai ứng dụng di động thống nhất của Thành phố để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các dịch vụ của các cơ quan nhà nước. Chữ ký số sẽ được tích hợp trên hệ thống và có giá trị pháp lý.

Ba là, tiếp tục hoàn thiện và vận hành nhóm 05 nền tảng phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của Thành phố: (1) Hệ thống theo dõi các chỉ tiêu kinh tế – xã hội theo thời gian thực; (2) Hệ thống giám sát việc xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân thông qua Cổng thông tin 1022; (3) Hệ thống theo dõi chỉ số năng lực cạnh tranh của các sở, ngành, địa phương – DCCI; (4) Hệ thống theo dõi mức độ Chuyển đổi số của các sở, ngành, địa phương – DTI; (5) Ứng dụng công dân thống nhất của Thành phố.

Bốn là, tổ chức triển khai hai chiến lược quan trọng: Chiến lược quản trị dữ liệu và Chiến lược An toàn thông tin. Trong đó, tập trung phát triển 3 nhóm dữ liệu gồm: (1) Nhóm dữ liệu phục vụ Quản lý đất đai – đô thị (2) Nhóm dữ liệu liên quan đến thông tin của Người dân (3) Nhóm dữ liệu về phát triển Tài chính – Doanh nghiệp.

Năm là, tiếp tục phát triển Kho dữ liệu dùng chung, Trung tâm điều hành Đô thị thông minh, Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế xã hội, Trung tâm an toàn thông tin Thành phố.

Sáu là, triển khai đề án thành lập Trung tâm Chuyển đổi số số TP.HCM là đơn vị trực thuộc UBND Thành phố để triển khai thực thi chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số Thành phố nằm thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số theo Chương trình Chuyển đổi số Thành phố và Đề án đô thị thông minh.

Bảy là, tổ chức hệ thống đánh giá chỉ số kinh tế số bài bản, khoa học. Thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, góp phần hiệu quả phát triển kinh tế số của Thành phố.

Tám là, triển khai hiệu quả hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng tại địa phương để phổ cập kỹ năng số cho người dân thực hiện chuyển đổi số.

Chín là, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức về chuyển đổi số để thực hiện các nhiệm vụ được giao; nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ số và an toàn thông tin.

Mười, phát huy hiệu quả công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và truyền động lực tích cực cho toàn bộ cán bộ công chức, người dân, doanh nghiệp cùng Thành phố tham gia triển khai Chương trình chuyển đổi số và Đề án xây dựng đô thị thông minh.

https://vneconomy.vn/tp-hcm-giu-vung-vi-tri-thu-2-chuyen-doi-so-kinh-te-so-cho-grdp-dat-18-66.htm