Tuân thủ các quy định thẩm định trong chuỗi cung ứng mang lại lợi ích lâu dài, bền vững cho chính doanh nghiệp, chứ không phải là thực hiện một cách miễn cưỡng để chỉ tồn tại trong chuỗi cung ứng…
Đạo luật mới của CHLB Đức về Nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng được thông qua vào tháng 7/2021 (có hiệu lực thi hành từ 01/01/2023). Đối tượng áp dụng là doanh nghiệp Đức và nhà cung cấp trực tiếp bắt buộc phải thực hiện các biện pháp thẩm định.
Dự thảo Chỉ thị của Liên minh châu Âu về thẩm định tính bền vững của doanh nghiệp đang được các nước thành viên Liên minh châu Âu thảo luận, xem xét thông qua để áp dụng dự kiến từ năm 2026.
THÁCH THỨC VỚI DOANH NGHIỆP NHỎ CỦA VIỆT NAM
Phân tích về luật này, bà Trần Thị Hồng Liên, Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết tại Việt Nam, trách nhiệm thẩm định về quyền con người và môi trường trong kinh doanh là một khái niệm tương đối mới, chưa được phổ biến rộng rãi. Thuật ngữ này được sử dụng thay thế cho “tuân thủ” và “trách nhiệm xã hội”.
Luật Thẩm định chuỗi cung ứng được các nước xem xét và ban hành với mục tiêu cải thiện công tác bảo vệ quyền con người trong chuỗi cung ứng toàn cầu và ngăn chặn những hành vi xâm phạm như tình trạng lao động trẻ em và cưỡng bức lao động, cấm những chất có hại cho con người và môi trường, chống phân biệt đối xử, trả lương phù hợp và thời gian làm việc đúng mức…
Việc thẩm định chuỗi cung ứng khác với “thực hiện kinh doanh có trách nhiệm” ở chỗ nó sẽ bao hàm tất cả nội dung liên quan đến lao động, xã hội và môi trường mà doanh nghiệp phải tuân thủ.
Trách nhiệm thẩm định trong chuỗi cung ứng không dừng lại ở việc tuân thủ và thực hiện trong phạm vi doanh nghiệp của mình mà rộng hơn là các đối tác, nhà cung ứng của doanh nghiệp.
“Thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng không phải là mới mà thực chất là những gì chúng ta đang và đã làm. Tuy nhiên, những quy định này hướng đến việc doanh nghiệp tự nguyện thực hiện. Khi châu Âu thông qua dự thảo Chỉ thị cũng như Luật của Đức đã có hiệu lực thì việc tuân thủ không còn là tự nguyện nữa mà là bắt buộc để được tham gia vào chuỗi cung ứng của những quốc gia này”, bà Liên nhấn mạnh.
Mặc dù vậy, bà Liên cho rằng có nhiều thách thức với các doanh nghiệp Việt Nam. Bởi hầu hết doanh nghiệp chưa có đầy đủ thông tin về thẩm định chuỗi cung ứng. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của Đức thì đa số là doanh nghiệp nhỏ (hơn 90%).
Khi thực hiện kinh doanh có trách nhiệm, doanh nghiệp đa quốc gia có tiềm lực mạnh nhưng vẫn đối diện với khó khăn, huống chi các doanh nghiệp nhỏ, hạn chế về nguồn lực nhưng vẫn phải tuân thủ đầy đủ các quy định như các doanh nghiệp lớn.
Bà Nguyễn Thị Xuân Thuý, cán bộ Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) cho rằng mặc dù luật quy định áp dụng năm 2023 với doanh nghiệp là 3.000 lao động, năm 2024 là 1.000 lao động nhưng mọi doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng của Đức đều phải báo cáo và gửi đến Bộ quản lý Xuất nhập khẩu của Đức.
“Nên tất cả các doanh nghiệp ở bất kỳ đâu nếu đã tham gia vào chuỗi cung ứng của Đức đều có trách nhiệm cung cấp thông tin, số liệu cho Bộ quản lý Xuất nhập khẩu của Đức. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp của Đức cũng phải tuân thủ Luật này. Có những rủi ro một mình nhà cung cấp không giải quyết được, mà cần yêu cầu người mua hỗ trợ đánh giá, giảm thiểu rủi ro”, bà Thuý nói.
DOANH NGHIỆP ĐƯỢC LỢI NHIỀU HƠN
Dù có thách thức nhưng theo đại diện VCCI, doanh nghiệp cũng cần nhìn luật như một cơ hội để lớn lên. Bởi khi các doanh nghiệp Đức chịu trách nhiệm về Luật này thì họ sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trong chuỗi nhằm đảm bảo các yêu cầu, quy định thông qua tập huấn, đào tạo, chung tay hỗ trợ xử lý rủi ro bằng nguồn ngân sách nhất định…
Mặt khác, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp tự hoàn thiện chính mình khi tham gia vào chuỗi cung ứng, cũng như khẳng định được vị thế của mình bằng việc thực hành kinh doanh có trách nhiệm, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Bà Thuý đồng tình cho rằng thực chất Luật này tạo thêm nhiều trách nhiệm cho doanh nghiệp, kể cả với doanh nghiệp Đức. Người tiêu dùng Đức và châu Âu đều mong muốn khi sản phẩm được tiêu dùng không vi phạm quyền của người lao động, môi trường ở quốc gia sản xuất ra sản phẩm đó không bị phá hoại.
Luật này quy định cho toàn bộ chuỗi cung ứng nên bất kể vi phạm nào của nhà cung cấp, doanh nghiệp Đức đều có trách nhiệm liên đới.
Do đó, Chính phủ Đức đã phát triển dự án “Sáng kiến đoàn kết toàn cầu” và được triển khai ở 4 quốc gia đang phát triển và xuất khẩu nhiều sản phẩm sang Đức bao gồm Bangladesh, Việt Nam, Campuchia và Serbia, đồng thời tập trung vào 2 lĩnh vực là dệt may, điện tử. Đây là 2 ngành có kim ngạch xuất khẩu từ 4 nước vào Đức và EU nhiều.
Dự án khuyến khích sự chia sẻ trách nhiệm giữa bên mua và bên bán. “Trước đây các doanh nghiệp chỉ mua và không phải chịu trách nhiệm về những rủi ro ở các nước bán. Nhưng giờ có bất kể rủi ro nào xảy ra với doanh nghiệp Việt Nam mà nằm trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Đức thì doanh nghiệp Đức cũng có trách nhiệm liên đới”, bà Thuý phân tích.
Bên cạnh đó, là sự minh bạch giữa các số liệu. Đồng thời hình thành cơ chế tại doanh nghiệp, người lao động có quyền đưa ra tiếng nói của mình cũng như đối thoại với chủ sử dụng lao động.
Ngoài ra, dự án hỗ trợ doanh nghiệp dệt may, điện tử quản lý hoá chất, kiểm định khí nhà kính. Hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo các chính sách về bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử, mua hàng có trách nhiệm giữa bên mua và bên bán.
Bà Thuý Hương bổ sung, không chỉ năng lực doanh nghiệp được nâng cao, mà người lao động được đối xử tốt, môi trường được đối xử tốt thì doanh nghiệp sẽ phát triển bền vững. Khi người lao động được giải phóng về tinh thần, thể chất thì năng suất lao động tăng lên.
“Đây chính là những lợi thế lâu dài, bền vững với doanh nghiệp thực hiện, chứ không phải là thực hiện một cách miễn cưỡng để chỉ tồn tại trong chuỗi cung ứng”, bà Hương nhấn mạnh.
https://vneconomy.vn/tuan-thu-luat-tham-dinh-chuoi-cung-ung-co-hoi-de-doanh-nghiep-lon-len.htm