Giải pháp kế hoạch năm 2024 và đến cuối nhiệm kỳ 2021-2025, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành cần tập trung khắc phục những tồn tại, bất cập, vướng mắc về kinh tế – xã hội. Đồng thời, tăng cường năng lực nội sinh, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế…
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 27, sáng 16/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về Kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023;
Dự kiến Kế hoạch 2024; đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025 và Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị xem xét, đánh giá tính khả thi của mục tiêu tăng trưởng GDP cũng như việc hoàn thành mục tiêu cả nhiệm kỳ.
5/15 CHỈ TIÊU KHÔNG ĐẠT MỤC TIÊU ĐỀ RA
Thẩm tra nội dung về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước đối mặt khó khăn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những quyết sách kịp thời giúp tình hình kinh tế – xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, ước cả năm có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra.
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. GDP quý III ước tăng 5,33% so với cùng kỳ (quý I tăng 3,28%, quý II tăng 4,05%). Dự báo cả năm 2023, tăng trưởng GDP đạt trên 5%, dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra (khoảng 6,5%) nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trên thế giới và khu vực. Thu ngân sách Nhà nước phấn đấu đạt hoặc vượt dự toán được giao. Cả năm 2023 ước xuất siêu khoảng 15 tỷ USD.
Bên cạnh kết quả đạt được, cơ quan thẩm tra cho rằng, dự kiến 5/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra, trong đó chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt mục tiêu đề ra năm thứ 3 liên tiếp. Tăng trưởng kinh tế giảm tốc đáng kể, cả năm ước đạt trên 5%.
Một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả, thủ tục hành chính tuy đã được cắt giảm nhưng trong một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp, việc ban hành Thông tư, Quy chuẩn kỹ thuật còn bất cập gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn, mặc dù mặt bằng lãi suất huy động, lãi suất cho vay giảm nhưng dư nợ tín dụng đến ngày 21/9/2023 chỉ tăng 5,91% so với cuối năm 2022. Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, chi phí sản xuất, chi phí logistics tăng cao; sự liên kết giữa doanh nghiệp của các thành phần kinh tế lỏng lẻo, thiếu gắn kết.
Giải ngân vốn đầu tư công có cải thiện nhưng chưa đạt như kỳ vọng (hết 9 tháng đạt 51,38% kế hoạch), chưa có sự lan tỏa đối với đầu tư tư nhân, chưa thể hiện vai trò nòng cốt trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thu ngân sách nhà nước 9 tháng giảm 8,3% so với cùng kỳ; nợ đọng thuế có chiều hướng gia tăng; giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng còn chậm. Nhiệm vụ cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh còn một số khó khăn, thách thức.
Trật tự, an toàn xã hội, tình hình tội phạm có lúc, có nơi còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp. Công tác phòng, chống cháy nổ gặp nhiều thách thức, nhiều vụ cháy xảy ra gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản…
CẦN ĐÁNH GIÁ LẠI NHỮNG HẠN CHẾ TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ, XÃ HỘI
Thẩm tra về tình hình giữa kỳ thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021 – 2025, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận định, nhìn lại nửa nhiệm kỳ vừa qua, Việt Nam vẫn cơ bản vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, được quốc tế và trong nước ghi nhận.
Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá một số vấn đề: Cơ cấu kinh tế chưa có nhiều thay đổi; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp, năng suất lao động bình quân 3 năm 2021 – 2023 tăng 4,36-4,69%, thấp hơn mức 6,26% của 3 năm 2016-2018; năng lực tự chủ và khả năng chống chịu của nền kinh tế còn nhiều hạn chế.
Chất lượng thu NSNN còn chứa đựng yếu tố chưa bền vững, so với dự toán, thu từ dầu thô năm 2021 vượt 21,4 nghìn tỷ đồng, năm 2022 vượt 49,8 nghìn tỷ đồng; thu tiền sử dụng đất năm 2021 và năm 2022 đều vượt khoảng 74 nghìn tỷ đồng. Thu hút FDI mới, công nghệ cao, công nghệ nguồn và chuyển giao công nghệ gặp nhiều khó khăn. Giải ngân đầu tư công không đạt kế hoạch.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế vẫn còn hạn chế, tình trạng nợ văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh vẫn chưa được khắc phục triệt để. Thể chế cho những vấn đề mới, mô hình kinh doanh mới, bao gồm cả kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh cần được báo cáo rõ hơn. Công tác quy hoạch không đạt được các mục tiêu, yêu cầu tại Nghị quyết số 61/2022/QH15. Việc triển khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo Nghị quyết số 39/2021/QH15 còn lúng túng, vướng mắc; một số địa phương phản ánh việc phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cho khu, cụm công nghiệp chưa phù hợp.
Các doanh nghiệp sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi năng lượng xanh – sạch, cácbon thấp, vật liệu bền vững, sản xuất thân thiện môi trường… từ thị trường nhập khẩu; cộng thêm ngày càng nhiều yêu cầu ngặt nghèo với hàng nhập khẩu từ các thị trường truyền thống. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại còn chậm, nhất là giải quyết những điểm nghẽn trong phát triển hạ tầng tại các đô thị lớn. Triển khai các dự án quan trọng quốc gia còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án, khó hoàn thành kế hoạch.
Công tác phòng, chống dịch Covid-19 có thời điểm còn bị động, lúng túng, nhất là giai đoạn đầu khi biến chủng Delta bùng phát mạnh. Công tác quản lý, sử dụng nguồn lực cho phòng, chống dịch còn bất cập, còn tình trạng tiêu cực, tham nhũng, vi phạm pháp luật, xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng, gây bức xúc, ảnh hưởng đến lòng tin trong Nhân dân.
Chưa có nhiệm vụ, sản phẩm khoa học, công nghệ có tính đột phá, tính liên vùng để có thể triển khai ở quy mô lớn. Việc triển khai thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia còn rất chậm. Ngành giáo dục bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, từ chất lượng đến tâm lý, sức khỏe, kiến thức của học sinh; nhiều sinh viên không thể ra trường đúng hạn.
Bên cạnh đó, nhiều khu công nghiệp vẫn chưa có công trình xử lý nước thải tập trung, thiếu hệ thống quan trắc nước thải tự động…; một số lưu vực sông còn ô nhiễm nặng. Công tác quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính nói chung và kiểm kê khí nhà kính nói riêng còn tồn tại một số hạn chế…
TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC NỘI SINH, KIỂM SOÁT LẠM PHÁT, TĂNG VAI TRÒ CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH
Về năm 2024, Thường trực Ủy ban Kinh tế cơ bản đồng tình với các định hướng lớn, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp như Báo cáo của Chính phủ. Đề nghị xem xét, đánh giá tính khả thi của mục tiêu tăng trưởng GDP cũng như việc hoàn thành mục tiêu cả nhiệm kỳ; đánh giá kỹ hơn việc lập dự toán NSNN, cân nhắc xây dựng dự toán thu NSNN tích cực hơn để tăng chi đầu tư phát triển và giảm bớt bội chi; nghiên cứu, bổ sung chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị.
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2024 và đến cuối nhiệm kỳ 2021-2025, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành cần tập trung khắc phục những tồn tại, bất cập, vướng mắc về kinh tế – xã hội như đã nêu ở trên;
Đồng thời bổ sung, nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp như: Tăng cường năng lực nội sinh, củng cố nền tảng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế. Tăng cường vai trò của chính sách tài khóa đối với hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Bảo đảm sự đồng bộ trong xây dựng pháp luật, thể chế, cơ chế, chính sách đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại nền kinh tế và yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Quyết liệt khắc phục những hạn chế, yếu kém của một số ngành, lĩnh vực như công tác lập và triển khai thực hiện quy hoạch, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp, những dự án thua lỗ kéo dài, những ngân hàng, doanh nghiệp có vi phạm.
Tăng cường cơ cấu lại nền kinh tế theo các nhiệm vụ trọng tâm đề ra tại Nghị quyết số 31/2021/QH15. Tháo gỡ các vướng mắc, rào cản lớn đối với doanh nghiệp trong nước hiện nay, nhất là về vấn đề pháp lý, thị trường đầu ra, khả năng tiếp cận, năng lực hấp thụ vốn và lao động. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó triển khai thực hiện quả Chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2021 – 2030.
Khẩn trương trình Quốc hội xem xét, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam.
Đồng thời, tiếp tục tháo gỡ các nút thắt về thể chế, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng; tích cực cải cách thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và nâng cao năng lực quản trị quốc gia, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại, tận dụng các cơ hội từ kết quả hội nhập kinh tế quốc tế và khai thác động lực tăng trưởng nội tại từ các trung tâm kinh tế lớn của đất nước như: Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh.
https://vneconomy.vn/uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-cho-y-kien-ve-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-nam-2023-va-du-kien-ke-hoach-2024.htm