Chỉ số Xanh cấp tỉnh 2023 (PGI) cho thấy, bức tranh “xanh hoá” ở 63 tỉnh, thành Việt Nam được triển khai chưa đồng đều, nơi sáng – nơi tối, nơi cấp thiết- nơi chậm chạp…
Chỉ số Xanh cấp tỉnh 2023 (PGI) vừa được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố cùng với Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023.
Đây là năm thứ 2 PGI được công bố, dựa trên 4 chỉ số thành phần gồm: Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và thiên tai; đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường; thúc đẩy thực hành xanh; chính sách khuyến khích và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường.
Theo đó, Quảng Ninh dẫn đầu bảng xếp hạng, tiếp theo là Đà Nẵng, Đồng Nai, Hưng Yên và Thành phố Hồ Chí Minh.
Với chỉ số “giảm thiểu ô nhiễm môi trường và thiên tai”, nghiên cứu cho thấy, hơn một nửa số doanh nghiệp trên toàn quốc (56,5%) đánh giá chất lượng môi trường tại địa phương là tốt hoặc rất tốt, nhưng tỷ lệ này xét theo vùng lại có sự khác biệt đáng kể.
Tại Hà Nội chỉ có khoảng 21,8% doanh nghiệp có đánh giá tích cực về môi trường địa phương so với 82% doanh nghiệp có đánh giá tương tự tại tỉnh miền núi phía Bắc Bắc Kạn.
Tỷ lệ trung bình doanh nghiệp cả nước cho biết mức độ ô nhiễm tại địa phương là “không ô nhiễm” hoặc “hơi ô nhiễm” là 29% doanh nghiệp; điểm số trong chỉ tiêu này dao động từ thấp là 17% đến cao là 42%.Có 62% số doanh nghiệp trên cả nước đồng ý với nhận định doanh nghiệp là nguồn gây ô nhiễm môi trường phổ biến tại địa phương.
Đáng chú ý là gần 84% doanh nghiệp tham gia khảo sát tại Vĩnh Long đồng ý với nhận định trên. “Tỷ lệ doanh nghiệp phản ánh hiện tượng tiêu cực này càng cao có nghĩa là chất lượng quản trị môi trường của địa phương hạn chế hơn”, báo cáo nhận định.
Đo chỉ số “đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường” thấy, gần 73% doanh nghiệp đồng ý với nhận định “chính quyền địa phương có giải pháp hiệu quả để phòng ngừa tình trạng ô nhiễm môi trường”. 71% doanh nghiệp nhận định “sự cố ô nhiễm môi trường được chính quyền địa phương khắc phục nhanh chóng”.
Bên cạnh đó, 74% doanh nghiệp trên toàn quốc tin tưởng chính quyền địa phương nghiêm túc xử phạt các vụ việc vi phạm. Vĩnh Long đứng đầu trong chiều cạnh này với 92% doanh nghiệp đồng ý với nhận định “chính quyền địa phương nghiêm túc xử phạt doanh nghiệp gây ô nhiễm”.
Ở chiều ngược lại, khoảng 60% doanh nghiệp tại Bắc Ninh có đánh giá không mấy tích cực trong chỉ tiêu này, mức thấp hơn nhiều so với trung vị toàn quốc.
Tuy nhiên, trong xử lý doanh nghiệp gây ô nhiễm, trung bình chỉ có 2,4% doanh nghiệp phản hồi họ biết doanh nghiệp gây ô nhiễm đã bị xác định vi phạm quy định môi trường và bị xử phạt. Phú Yên là tỉnh có tỷ lệ doanh nghiệp bị xử phạt thấp nhất – gần 0%, song tại Kon Tum, tỷ lệ này lên tới 12,5% doanh nghiệp.
Hơn nữa, 46% doanh nghiệp cho biết đã tiếp cán bộ thanh, kiểm tra môi trường một lần trong năm vừa qua. Trung bình cả nước, chỉ có 22% số doanh nghiệp cho biết đã chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh tra, kiểm tra. Song lại có sự vênh khá lớn giữa điểm số của một số địa phương. Tại Trà Vinh không có doanh nghiệp nào phản ánh có trả chi phí không chính thức khi tiếp đón cán bộ thanh, kiểm tra môi trường, trong khi hơn 3/4 doanh nghiệp tại Ninh Thuận cho biết có chi trả chi phí này.
Chỉ 17,4% doanh nghiệp tại Quảng Ngãi đánh giá việc kiểm tra của cơ quan môi trường là công bằng trong khi tỷ lệ này ở Kon Tum là 51,5%. Chưa tới 30% doanh nghiệp cả nước đồng tình với câu hỏi “việc thanh, kiểm tra của cơ quan môi trường là công bằng với doanh nghiệp”.
Còn với chỉ số “thúc đẩy thực hành xanh” thông qua việc cơ quan nhà nước tại các địa phương ưu tiên mua hàng hoá, dịch vụ từ các doanh nghiệp đang thực hành “xanh”, tính trung bình, 70% doanh nghiệp đồng ý với câu hỏi này, nhưng có sự khác biệt tương đối giữa phản hồi doanh nghiệp ở các địa phương khác nhau. Tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định này tại Bắc Giang tương đối thấp (53%) song tỷ lệ này tại Thừa Thiên Huế lên tới 89%.
Khảo sát cũng cho thấy, để thúc đẩy xanh, “cơ quan nhà nước tại một số tỉnh sẵn sàng chấp nhận giá cao hơn khi mua hàng hóa hoặc dịch vụ từ các doanh nghiệp đang thực hành sản xuất xanh” nhưng phản hồi doanh nghiệp ở các tỉnh có sự khác nhau.
Mức độ đồng ý là thấp nhất ở tỉnh Bắc Giang, chưa đến 1/2 doanh nghiệp (47,5%) chọn đồng ý. Tỷ lệ cao nhất là ở Lào Cai, với 83,9% doanh nghiệp tại tỉnh cho rằng các cơ quan nhà nước của tỉnh sẵn sàng trả giá cao hơn cho hàng hóa, dịch vụ “xanh”.
Đáng chú ý, mức chi ngân sách trung bình toàn quốc cho bảo vệ môi trường là 0,7% cho thấy công tác bảo vệ môi trường tại các địa phương chưa được ưu tiên, so với mức chi ngân sách 5% cho y tế. Đà Nẵng là tỉnh có tỷ lệ chi ngân sách nhiều nhất cho bảo vệ môi trường, 4,1% song đây chỉ là ngoại lệ. Tỉnh trung vị là Quảng Ngãi chỉ dành 0,2% tổng ngân sách cho công tác bảo vệ môi trường.
“Chính sách khuyến khích và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường” vẫn chưa phổ biến. Đo lường của PGI cho thấy, trung bình 33% số doanh nghiệp đã triển khai thực thành xanh được ưu đãi thuế, giãn thuế hoặc giảm thuế. Tại Điện Biên, tỷ lệ này đặc biệt cao, với 56% trong tổng số 66 doanh nghiệp tại địa phương đã triển khai một số hoạt động nâng cấp cho biết đã được hưởng ưu đãi thuế.
Ở chiều ngược lại, tại Nam Định, chỉ có 14% trong tổng số 57 doanh nghiệp đã thực hiện nâng cấp được hưởng ưu đãi thuế.
Điểm đáng lưu ý, có 14% doanh nghiệp trên toàn quốc đã không thực hiện nâng cấp vì lý do thiếu nguồn lực. Con số này đặc biệt cao ở một số địa phương, ví dụ, tại Bình Định, khoảng 40% số doanh nghiệp được khảo sát cho biết đã không đầu tư cho quy trình vận hành xanh do hạn chế về nguồn lực.
Ngoài ra, tỷ lệ trung bình số doanh nghiệp trên cả nước đã được tiếp cận dịch vụ tư vấn và dịch vụ đào tạo để cải thiện công tác môi trường lần lượt là 38% và 36%. Tỷ lệ này ở Điện Biên là khá cao, 61%. Đắk Nông cũng là một điểm sáng khi có tới 60% doanh nghiệp tại tỉnh cho biết đã được hưởng lợi từ các dịch vụ tư vấn và đào tạo do tỉnh cung cấp. Doanh nghiệp ở An Giang cho biết thụ hưởng hai dịch vụ trên ở mức tương đối thấp, lần lượt với tỷ lệ là 17% và 15%.
Theo GS. TS. Edmund J. Malesky, Giám đốc nghiên cứu Dự án Sáng kiến PGI, xanh hoá nền kinh tế là nội dung mới, vì thế việc thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực thân thiện với môi trường tại mỗi tỉnh là một lộ trình mới bắt đầu. Các tỉnh, thành của Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm và cần hỗ trợ để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.
Hiện các địa phương của Việt Nam đang nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm môi trường nhưng với tính dịch chuyển đặc thù nên tỉnh, thành này vẫn có thể chịu tác động từ ô nhiễm môi trường của các địa phương lân cận. Bởi vậy, rất cần có sự lan toả và hợp tác giữa các địa phương trong chuyển đổi xanh.
Bên cạnh nguồn tại bên ngoài trong hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật cho chính quyền cấp tỉnh chuyển đổi xanh, theo GS. TS Edmund J. Malesky, cần có động lực, cơ chế khuyến khích dựa trên thị trường để doanh nghiệp thay đổi mô hình sản xuất kinh doanh.
https://vneconomy.vn/xanh-hoa-o-cac-dia-phuong-chua-dong-deu.htm