4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu điều đạt 216 nghìn tấn, với kim ngạch 1,16 tỷ USD, tăng 32,4% về khối lượng và tăng 21,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Với kết quả này, ngành điều đang kỳ vọng vào con số kim ngạch kỷ lục 4 tỷ USD cho cả năm 2024…
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 4/2024, nước ta xuất khẩu được 65 nghìn tấn nhân điều, thu về 350 triệu USD, lũy kế 4 tháng đầu năm đạt 216 nghìn tấn, với kim ngạch 1,16 tỷ USD, tăng 32,4% về khối lượng và tăng 21,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, tốc độ xuất khẩu hạt điều sang một số thị trường lớn, như Trung Quốc, Hà Lan, Hoa Kỳ… ghi nhận mức tăng trưởng mạnh.
NGHỊCH LÝ: GIÁ XUẤT KHẨU GIẢM, GIÁ NGUYÊN LIỆU TĂNG
Cụ thể, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu nhân điều lớn nhất của Việt Nam, đạt hơn 52 nghìn tấn, kim ngạch 280 triệu USD, tăng 35,3% về lượng và tăng 23% về kim ngạch so với 4 tháng đầu năm 2023.
Xếp thứ 2 là thị trường Trung Quốc, nhập khẩu từ Việt Nam khoảng 31,5 nghìn tấn nhân điều chế biến, kim ngạch 175 triệu USD, tăng mạnh 102% về lượng và tăng 74% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá xuất khẩu nhân điều chế biến sang Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm chỉ đạt bình quân 5.570 USD/tấn, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm trước.
Hà Lan là thị trường xuất khẩu hạt điều lớn thứ 3 của Việt Nam, với gần 13,7 nghìn tấn, tương đương hơn 76 triệu USD.
Mặc dù, xuất khẩu điều tăng cả về lượng và giá trị, nhưng giá xuất khẩu nhân điều chế biến lại giảm gần 8% so với cùng kỳ năm trước, bình quân chỉ đạt gần 5.370 USD/tấn trong 4 tháng đầu năm nay.
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), xuất khẩu điều nhân trong 4 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng mạnh là do giá nhân điều chế biến xuất khẩu quá rẻ, nên đối tác tăng nhập hàng. Mặt khác, tiêu thụ điều nhân tăng do người tiêu dùng ăn hạt điều nhiều hơn và nhà nhập khẩu thấy giá nhân điều rẻ cũng sẵn sàng mua về để tăng tồn kho trở lại.
“Trong tháng 4/2024, một số nhà chế biến đã ký hợp đồng xuất khẩu điều nhân giao xa và hiện đang thiếu điều thô để chế biến buộc phải mua điều thô với mức giá cao, không cân đối được với giá điều nhân xuất khẩu”.
Ông Tạ Quang Huyên, Phó chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam.
Tại châu Á, thị trường Trung Quốc đặc biệt ưa chuộng hạt điều của Việt Nam nhờ nguồn cung ổn định quanh năm và chất lượng sản phẩm tốt. Ngoài ra, khu vực châu Á không bị ảnh hưởng do xung đột biển Đỏ, đây là điều kiện tốt cho xuất khẩu hạt điều của Việt Nam.
“Nhu cầu điều thô trên thị trường thế giới tăng từ cuối tháng 3 đến nay, giá tăng nhẹ dù chất lượng trung bình giảm. Hiện nay, giá điều thô chào trên thị trường có nhiều mức giá khác nhau tùy chất lượng, tính uy tín của nhà cung cấp và người mua, áp lực bán hàng… còn giá được “chốt” ở mức nào thì tùy kết quả đàm phán của các bên”, ông Tạ Quang Huyên, Phó chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam chia sẻ.
Trong tình thế nhập khẩu điều vấp phải giá cao, các doanh nghiệp ngành điều đang trồng chờ vào nguồn cung nguyên liệu trong nước. Thời điểm này, Việt Nam và Campuchia đã sang vụ thu hoạch điều thứ 2 trong năm, tỷ lệ thu hồi đạt khoảng 24-25% đối với hạt size nhỏ và 26-28% đối với hạt size lớn, giá tăng khoảng 2.000 đồng/kg do nhu cầu của các nhà chế biến đang tăng.
Đặc biệt sự thiếu hụt điều thô nguyên liệu trên thị trường một phần là do có sự đầu cơ từ nông dân cũng như một số thương lái giữ hàng lại, chờ giá lên cao mới đưa ra bán. Giới phân tích cho rằng hiện giá điều thô được chào bán đã tăng 18% so với cách đây 2 tháng.
XUẤT KHẨU TĂNG NHỜ NHU CẦU THẾ GIỚI ĐƯỢC CẢI THIỆN
Xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đã từng đạt mức kỷ lục về giá trị vào năm 2021, với 3,63 tỷ USD. Sang năm 2022, xuất khẩu hạt điều giảm 10,3% về lượng và 15,1% về giá trị, đạt 519.782 tấn và 3,08 tỷ USD. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu điều tăng 18% so với năm 2022, đạt 3,6 tỷ USD, nhưng vẫn chưa bằng con số của năm 2021. Tuy nhiên, với những kết quả khả quan trong 4 tháng đầu năm 2024, ngành điều đang kỳ vọng vào con số kim ngạch kỷ lục 4 tỷ USD cho cả năm 2024.
Hiệp hội Điều Việt Nam nhận định, xuất khẩu điều của Việt Nam sẽ tăng trong các tháng của quý 2/2024 nhờ nhu cầu thế giới tăng. Trong đó, nhu cầu tiêu thụ tại Hoa Kỳ có dấu hiệu phục hồi, tồn kho giảm mạnh sẽ kéo theo nhập khẩu tăng.
Theo dự báo, thị trường hạt điều toàn cầu sẽ tăng trưởng bình quân 4,6% trong giai đoạn 2022-2027. Xu hướng ưa chuộng chế độ ăn thuần chay và thực vật đã làm cho nhu cầu về các loại hạt và thực phẩm chế biến từ hạt tăng cao, trong đó có hạt điều…
https://vneconomy.vn/xuat-khau-dieu-huong-toi-moc-ky-luc-4-ty-usd.htm