Thời điểm hiện tại giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang ở vùng giá thấp nhất trong vòng hơn 6 tháng trở lại đây. Dù đã hạ nhiệt đáng kể so với mức xuất khẩu bình quân kỷ lục trong tháng 2/2024 ở mức 673 USD/tấn, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện vẫn đang cao hơn gần 120 USD/tấn…

Xuất khẩu gạo vẫn tiếp tục thuận lợi
Xuất khẩu gạo vẫn tiếp tục thuận lợi

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 3/2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 1,12 triệu tấn, thu về 709,6 triệu USD; tăng 99,7% về lượng và tăng 90% kim ngạch so với tháng 2/2024.

Luỹ kế 3 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo đạt trên 2,18 triệu tấn, kim ngạch gần 1,43 tỷ USD; tăng 17,6% về lượng, tăng 45,5% về kim ngạch so với 3 tháng đầu năm 2023.

XUẤT KHẨU GẠO HỨA HẸN SẼ LẬP KỶ LỤC MỚI

Philippines là thị trường xuất khẩu lớn nhất của gạo Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2024, đạt trên 1,01 triệu tấn, tương đương gần 649 triệu USD,  chiếm 46,4% trong tổng lượng và chiếm 45,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước. Giá xuất khẩu sang thị trường này đạt 641,7 USD/tấn, tăng 27,3% so với 3 tháng năm 2023.

Xuất khẩu gạo sang Indonesia đứng thứ 2, tăng mạnh 199,7% về lượng, tăng 308,8% kim ngạch và tăng 36,4% với 445.326 tấn, tương đương 285,06 triệu USD Giá xuất khẩu đạt 640 USD/tấn.

Tiếp theo, xuất khẩu gạo sang thị trường Malaysia tăng 28,8% về lượng, tăng 60,6% kim ngạch, đạt 98.917 tấn, tương đương 61,55 triệu USD, giá trung bình 622,3 USD/tấn.

“Giá gạo xuất khẩu bình quân của quý 1 năm 2024 đạt 653,9 USD/tấn, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm trước”.

Theo Tổng cục Hải quan.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu trong tháng 3/2024 và trong nửa đầu tháng 4/2024 đã giảm so với giá gạo xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm. Ngày 1/4, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam giảm về mức 582 USD/tấn, thấp hơn gạo cùng loại từ Thái Lan và Pakistan lần lượt 11 USD/tấn và 23 USD/tấn. Ngược lại, giá gạo 25% tấm xuất khẩu của nước ta đạt mức 558 USD/tấn, cao hơn gạo cùng loại từ Thái Lan 9 USD/tấn và ngang giá gạo Pakistan.

Đến thời điểm ngày 15/4/2024, giá gạo xuất khẩu 5% tấm hiện ở mức 578 USD/tấn; trong khi đó, gạo 25% tấm ở mức 549 USD/tấn.

Lý giải việc giá gạo xuất khẩu giảm, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng giá gạo Việt Nam hạ nhiệt trong giai đoạn theo đúng quy luật tự nhiên do các nước sản xuất đều bước vào vụ thu hoạch chính, nhu cầu nhập khẩu không còn quá cao như thời gian trước. Đặc biệt, nước ta cũng đang trong đợt thu hoạch vụ Đông Xuân, lượng lúa gạo bổ sung ra thị trường dồi dào, đương nhiên sẽ kéo giá trong nước và xuất khẩu giảm.

Đối với thị trường trong nước, hiện giá gạo nguyên liệu IR 504 dao động quanh mốc 11.200 – 11.300 đồng/kg. Tại Cần Thơ và An Giang, hiện nông dân bắt đầu bán lúa Hè Thu non.

Theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, lúa OM 18 ở mức 7.800 – 8.000 đồng/kg; OM 5451 ở mức 7.600 – 7.700 đồng/kg; nếp Long An tươi 7.800 – 8.000 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 dao động quanh mốc 7.700 – 8.000 đồng/kg; IR 504 ở mức 7.200 – 7.300 đồng/kg; lúa Nàng Hoa 9 dao động quanh mốc 7.500 – 7.700 đồng/kg; lúa OM 380 duy trì ổn định quanh mức 7.500 – 7.600 đồng/kg.

Nhận định về thị trường gạo quý 2, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết giá gạo thế giới vào gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ vẫn duy trì ở mức cao. Nguồn cung gạo trên thế giới vẫn thu hẹp do điều kiện thời tiết bất lợi, nhiều quốc gia cung ứng lớn buộc phải cấm và hạn chế xuất khẩu.

Hiện tượng thời tiết El Nino, yếu tố khiến nhiều khu vực lớn ở châu Á khô hạn trong năm 2023, dự kiến tiếp diễn trong nửa đầu năm 2024. Giới phân tích hiện đều đưa ra các dự báo cho thấy sản lượng gạo của châu Á trong nửa đầu năm 2024 sẽ tiếp tục giảm do điều kiện trồng trọt khô hạn. Điều này càng khiến nhu cầu nhập khẩu nhằm đảm bảo an ninh lương thực tại nhiều thị trường gia tăng.

Trong khi đó, quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới là Ấn Độ vẫn chưa gỡ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng kể từ giữa năm ngoái; Thái Lan, nhà xuất khẩu gạo lớn thứ hai cũng cho biết sẽ cắt giảm lượng gạo xuất khẩu nhằm để đảm bảo an ninh lương thực trong nước.

Mặt khác, các xung đột chính trị tại Trung Đông cũng đang khiến chuỗi cung ứng toàn cầu gặp gián đoạn, với việc chi phí logistics, thời gian vận tải bị đội lên đáng kể.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo, tiêu thụ gạo toàn cầu trong niên vụ 2023-2024 ở mức kỷ lục 522,9 triệu tấn, tăng 2,7 triệu tấn so với niên vụ trước và cao hơn 7,5 triệu tấn so với tổng sản lượng thu hoạch.

GẠO ST24 VÀ ST25 VẪN CHƯA ĐƯỢC HƯỞNG ƯU ĐÃI THUẾ QUAN

Liên quan đến mặt hàng gạo, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa có Công văn số 205/HTQT-HNĐT thông tin về danh mục gạo thơm vào thị trương EU.

Theo đó, thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, cho biết hiện nay có một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang EU phản ánh về việc gạo ST24 và ST25 của các doanh khi nhập khẩu vào EU vẫn chưa được hưởng ưu đãi thuế quan như báo chí đưa tin.

Công văn của Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Công văn của Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Vụ Hợp tác quốc tế đã tra cứu trên các trang thông tin điện tử (cả báo hình và báo điện tử) có đưa tin về việc 02 giống gạo thơm ST24 và ST25 đã được được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU theo trích dẫn thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thông tin này là không chính xác. Các bài tin đều đăng vào thời gian từ 18/12/2023-31/01/2024. Danh sách sơ bộ các trang thông tin điện tử đã đăng tin được đính kèm.

Theo Vụ Hợp tác quốc tế, trong khuôn khổ thực thi Hiệp định  thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) đang triển khai, hiện nay có 9 giống gạo thơm được hưởng ưu đãi thuế trong hạn ngạch khi xuất khẩu sang EU, bao gồm: Jasmine85, ST5, ST20, Nàng Hoa 9, VĐ20, RVT, OM4900, OM5451 và Tài Nguyên Chợ Đào.

Danh mục này được xây dựng từ trước 2015 (khi kết thúc đàm phán Hiệp định EVFTA). Sau gần 4 năm triển khai thực hiện Hiệp định, Việt Nam đang đề xuất điều chỉnh danh mục gạo thơm để xuất khẩu vào EU với mức thuế là 0% theo hạn ngạch để phù hợp với thực tế xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện nay.

“Việc đàm phán điều chỉnh bổ sung danh mục gạo thơm đang được Vụ Hợp tác quốc tế phối hợp cùng Cục Trồng trọt để làm việc với phía EU và đến nay vẫn chưa đi đến quyết định cuối cùng là điều chỉnh bổ sung giống gạo thơm nào vào danh mục các giống gạo sẽ được hưởng ưu đãi thuế trong hạn ngạch khi xuất khẩu vào thị trường EU”, Công văn của Vụ Hợp tác quốc tế nhấn mạnh.

Vụ Hợp tác quốc tế đề nghị Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với chức năng chủ trì, phối hợp với các đơn vị thực hiện nhiệm vụ phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí có giải pháp để đính chính thông tin trên tránh ảnh hưởng đến quá trình đàm phán điều chỉnh bổ sung danh mục giống gạo thơm của Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế trong hạn ngạch khi xuất khẩu vào thị trường EU cũng như tránh hiểu nhầm cho các doanh nghiệp khi thực hiện các hợp đồng xuất khẩu gạo thơm sang EU.

https://vneconomy.vn/xuat-khau-gao-tiep-tuc-duy-tri-tang-truong-cao.htm