Giai đoạn 2021 – 2022 là 2 năm ngành vận tải đường sắt thua lỗ thê thảm. Lợi nhuận giai đoạn 2021 – 2022 của 2 công ty vận tải đường sát Hà Nội và Sài Gòn là âm (-1.194) tỷ đồng. Từ đó, 2 đơn vị này thống nhất có kế hoạch sáp nhập thành công ty cổ phần vận tải duy nhất với kỳ vọng cải thiện hiệu quả sản xuất kinh doanh…

Việc sáp nhập hai công ty vận tải đường sát Hà Nội và Sài Gòn nhằm cải thiện hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Việc sáp nhập hai công ty vận tải đường sát Hà Nội và Sài Gòn nhằm cải thiện hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) sẽ hoàn thành sáp nhập hai công tuy thành viên là Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội và Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn thành Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt (VRT) vào trước cuối năm 2024.

Việc hợp nhất hai công ty nói trên nằm trong kế hoạch tái cơ cấu VNR đã được triển khai trong các năm qua. Trước đó, VNR cũng đã tiến hành sáp nhập 5 chi nhánh xí nghiệp đầu máy thành 3 chi nhánh, sáp nhập 3 ban quản lý dự án đường sắt thành 1 ban.

Theo lãnh đạo VNR, việc tái cơ cấu các đơn vị thành viên trong thời gian qua đã giúp hoạt động của tổng công ty đạt hiệu quả và tinh gọn bộ máy hơn. Đối với việc hợp nhất 2 công ty vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay sẽ giúp triệt tiêu cạnh tranh nội bộ, giảm bớt các bộ phận trung gian và tăng hiệu quả vận dụng phương tiện, tài sản hiện có. Việc sáp nhập cũng giúp tăng được doanh thu cho VRT, tăng thu nhập người lao động, đặc biệt sử dụng được các cơ sở vật chất của 2 công ty hiệu quả nhất.

Cuối tháng 4/2024 vừa qua, hai công ty cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn đã tổ chức đại hội cổ đông thường niên. Cả hai đều thống nhất thông qua phương án hợp nhất hai công ty, phương án hoạt động kinh doanh, điều lệ của công ty hợp nhất. Tên doanh nghiệp sau hợp nhất là Công ty cổ phần vận tải Đường sắt, tên viết tắt là VRT. Vốn điều lệ của VRT là 1.303 tỷ đồng. VRT có 74 ngành nghề kinh doanh, trong đó có hai ngành kinh doanh chính là vận tải hàng hóa đường sắt và vận tải hành khách đường sắt.

Hai công ty này cũng cho biết, năm 2023 và quý I/2024 đã đạt kết quả cao trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Cụ thể: Đối với Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội, năm 2023 đã đạt tổng doanh thu trên 2.491 tỷ đồng, tăng 5,67% so với năm 2022; lợi nhuận đạt hơn 14 tỷ đồng, tăng 143%; quý I/2024, doanh thu đạt hơn 710 tỷ đồng, trong khi con số này quý I/2023 là hơn 630 tỷ đồng.

Đối với Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn, năm 2023 đã đạt tổng doanh thu 1.708,3 tỷ đồng, tăng 8,4% so với năm 2022, lợi nhuận đạt 10,7 tỷ đồng, trong khi năm 2022 chỉ đạt hơn 400 triệu đồng; quý I/2024, doanh thu đạt hơn 562 tỷ đồng, tăng 13,4% so cùng kỳ năm 2023.

Năm 2024, VNR đặt mục tiêu doanh thu đạt 6.258 tỷ đồng, trong đó sản lượng vận tải tăng khoảng 7,3%; lợi nhuận sau thuế đạt 5 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ. Năm 2025, tổng doanh thu hợp nhất đạt 39.544 tỷ đồng; trong đó doanh thu công ty mẹ đạt 26.190 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân năm sau so năm trước giai đoạn 2024 – 2025 phấn đấu đạt 4,7%/năm. VNR cũng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế giai đoạn 2023 – 2025 là 327 tỷ đồng.

Được biết, giai đoạn 2021 – 2022 là 2 năm ngành vận tải đường sắt thua lỗ thê thảm vì chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19. Lợi nhuận giai đoạn 2021 – 2022 của 2 công ty vận tải đường sát Hà Nội và Sài Gòn là âm (-1.194) tỷ đồng. Từ đó, 2 đơn vị này thống nhất có kế hoạch sáp nhập thành công ty cổ phần vận tải duy nhất với kỳ vọng cải thiện hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Tại Công văn số 303/TTg-ĐMDN ngày 07/4/2022, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đồng ý về chủ trương phương án cơ cấu lại doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Bao gồm: Hợp nhất Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội và Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn thành một công ty cổ phần vận tải đường sắt; thực hiện thu gọn đầu mối Chi nhánh Xí nghiệp Đầu máy từ 5 chi nhánh xí nghiệp đầu máy thành 3 chi nhánh xí nghiệp đầu máy; chuyển nguyên trạng toàn bộ hoạt động, tài sản, con người đang có tại 3 ban quản lý dự án đường sắt khu vực I, II, III về một ban quản lý dự án đường sắt có các điều kiện tốt nhất về quy mô, kinh nghiệm, thực tế… để thực hiện chức năng đại diện chủ đầu tư quản lý các dự án đường sắt do VNR làm chủ đầu tư; đồng thời chấm dứt hoạt động của 2 ban quản lý dự án đường sắt còn lại.

https://vneconomy.vn/hop-nhat-hai-cong-ty-van-tai-duong-sat-ha-noi-va-sai-gon-ngay-trong-nam-2024.htm